1020 lượt xem
Việc xây dựng nhà yến và lắp đặt thiết bị đúng kĩ thuật cũng không thể giúp nhà yến thành công nếu thiếu đi sự quản lý và chăm sóc của con người. Có thể nói kĩ thuật là yếu tố ban đầu giúp nhà yến thành công trong việc dẫn dụ chim yến về ở, nhưng chính sự chăm sóc và quản lý nhà yến của chủ đầu tư mới là yếu tố giúp chim yến ở lại và phát triển tăng đàn. Nếu chủ nhà không chăm sóc và quản lý đúng cách sẽ khiến chim không thể tăng bầy, tệ hơn là bay đi tìm chỗ ở mới.
Trước hết, để chim yến vào nhà cần phải chú ý đến luồng bay của chim yến sau khi chim bay qua cửa thu chim. Trong đợt này, sau khi quan sát bên trong 3 nhà yến chúng nhận thấy thiết kế này chưa tốt, chưa đúng.
Sau khi bay qua lỗ thu chim thì chim bay như thế nào trong phòng lượn, qua cửa phòng lượn sang phòng làm tổ, hầu hết làm sai, chim phải bẽ quạt đường bay xuống dưới sàn (trong khi chim yến có thói quen lao vào nhà theo một góc 45o) hoặc là, có nhà nối với phòng làm tổ bằng một lỗ nhỏ không đúng hướng đường chim bay, nên nhiều khi chim bay vào phải quay một vòng rồi lại bay ra.
Ngoài ra, các biện pháp kích thích chim như: Tiếng chim, loa, côn trùng, phun sương…..để chim đi vào sâu hơn cũng không chú ý và chưa thật tốt. Cách thiết kế này không đúng sẽ làm chim con không tìm được đường về nhà, do đó đàn chim tăng chậm (nếu chim con về tốt, mỗi năm lượng chim trong nhà có thể tăng ít nhất 2 lần).
Đô thị hóa nhanh, trời nóng nực nhiệt độ quá cao, vào mùa khô độ ẩm thấp thức ăn thiếu, nhà yến vùng ven biển lại nhiều, đó cũng là những lý do tại sao chim yến nơi đây phát triển chậm.
Đó là lý do tại sao có hiện tượng gần đây làm nhà yến ở vùng Tây Nguyên chim vào khá dễ, với môi trường không khí mát mẽ hơn, nhiều côn trùng trên thảm thực vật xanh,… tất cả đã thu hút chim yến bay về làm tổ.
Một điểm khác nữa, người nuôi chim không nên mở tiếng chim to quá, chúng ta hãy quan sát chim: Khi bay ngoài trời hoặc khi chúng ta đứng dưới các nhà đã có chim, gần lỗ thu chim, ta sẽ nghe thấy chim yến chỉ gọi nhau vừa đủ nhẹ.
Mở tiếng chim to quá sẽ ảnh hưởng đến người khác, đó cũng chính là một trong những lý do tại sao tỉnh nhà không muốn nuôi chim trong thành phố.
Thực ra, để phát triển đa dạng các nghành nghề, tăng thêm kinh tế cho gia đình, doanh nghiệp và địa phương, chúng ta nên khuyến khích nghề nuôi yến phát triển, nhưng cần tổ chức nuôi xa khu dân cư, không cho dân làm thêm các nhà yến trong thành phố.
Đối với các nhà đã làm rồi, có chim rồi thì cần đặt ra các yêu cầu về độ mở loa, vệ sinh nhà yến, vấn đề thú y … để các hộ chăn nuôi thực hiện theo đúng yêu cầu, theo tôi ta cũng không nên xóa bỏ đàn chim đã có hiện nay trong các nhà yến đã làm.
Muôn thú cũng là những sinh linh cần quan tâm, đất lành chim đậu, lỡ đậu rồi, nếu ta tiêu diệt nó, về mặt tâm linh cũng là một điều mà chúng ta mãi mãi không thấy yên tâm.
Tổ của chim yến không phải được làm bằng rêu, cỏ, cọng lá cây, đât sét… như nhiều loài chim khác, mà làm bằng nước bọt – một chất liệu của chính cơ thể mình để làm tổ cho những con chim con nằm, đó là một điều khá thú vị.
Sự phân bố của đàn chim rất hạn hẹp, chủ yếu sống ở vùng Đông Nam Á. Đã bao năm nay, nhiều người nuôi, cho sinh sản, ấp trứng nhân tạo, di giống…chúng vẫn chỉ thấy thích ở nơi đây, chúng cũng không mở rộng vùng khu trú được bao nhiêu.
Có một khả năng đặc biệt là chim có thể tìm tổ (chổ ở) của mình trong bóng tối bằng âm dội ( tiếng vang dội lại-echolocation), đặc biết chim yến ít khi vào nhầm tổ của con chim yến khác. Đôi chân lại rất yếu ớt không đậu được, bay suốt ngày tìm mồi và đu bám trên tổ hoặc một chổ nào đó tại nơi ở của mình mỗi khi trở về nhà…
Chim yến rất nhạy cảm và có cảm nhận về điều kiện khí hậu rất tinh tế nơi nó muốn sinh sống. Chính vì vậy, nuôi chim yến không phải là dễ dàng, cần có sự hiểu biết về sinh học chim, cần có kỹ thuật đúng và phù hợp với từng vùng từng nơi ta định xây nhà, cần chú ý quan sát, chăm sóc tỉ mỉ phát hiện sớm các vấn đề tồn tại để chỉnh sửa..
Trong những năm qua, có “phong trào” xây nhà yến ở các tỉnh phía Bắc, từ Huế trở ra đến Hải Phòng Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình…đó là một hướng đi chưa thật chính xác, có thể làm ảnh hưởng đến sản lượng và tổng đàn yến của Việt Nam nói chung.
Ở nhiều tỉnh phía Bắc, trong một năm mùa đông có nhiều đợt gió mùa, 10 – 12oC là thường gặp, có lúc lạnh xuống 6 – 7oC, kéo dài 7 – 10 ngày, đây là nhiệt độ không những vượt quá sự chịu đựng của chim mà còn đạt đến ngưỡng nhiệt độ chết của chim yến. Tháng 1 năm 2016, theo đánh giá chung có đến hơn 50 ngàn chim yến chết, nhiều nhà chim chết hết.
Chim yến không phải là loài chim di cư nên mùa đông không biết tự bay trở về vùng phía nam ấm áp, như là một phản xa tự nhiên. Chim yến sẽ chết đi khi bị lạnh quá, bị đói vì thiếu thức ăn
Tuy nhiên, số chim còn sống sót sau đó đã dẫn dắt thêm chim mới, có thể sẽ trở lại vào mùa ấm, vì chúng nghe thấy tiếng gọi bầy đàn, ngửi mùi dẫn dụ, sự hấp dẫn của lượng côn trùng ở khu vực phía bắc ít nhà yến, chúng lại trở về ngôi nhà có phần quen thuộc đã được nhiều chim yến lựa chọn từ năm trước…
Vấn đề là phải làm từ từ, thí điểm, có biện pháp chống lạnh, tăng nguồn thức ăn, thiết kế nhà hợp lý…cuối cùng xây dựng ra được quy trình nuôi chim yến ở vùng lạnh thì mới có thể quảng bá hướng đi này.
Có lẽ sau khi dụ được chim vào họ vui sướng và đã thu hoạch sớm quá, và chủ nhà hay vào nhà yến quá. Rất nhiều người nuôi yến đã nói với tôi là họ thu tỉa hàng tháng, trong lúc mà theo khuyến cáo kỹ thuật: Nhà yến cần thu hoạch lần đầu khi trong nhà phải có 200 tổ yến (Malaysia) và chỉ thu các tổ đã dùng để đẻ trứng hai lần sau khi chim bay.
Thời gian đầu khoảng cách giữa hai lần thu hoạch phải cách nhau 6 tháng. Chim yến là loài chim yếu đuối, mong manh , rất sợ địch hại, nên nó thường đến nhà hoang hoặc đảo xa để sinh sống, nếu con người cứ thường xuyên vào nhà, quấy rầy nó nhiều, nó sẽ sợ hãi và bỏ đi. Nghĩa là thời gian đầu ưu tiên tăng số lượng chim, nếu thường xuyên thu hoạch đàn sẽ tăng rất chậm, tổ sẽ mỏng.
Sau khoảng gần 15 năm phát triển nghề nuôi yến trong nhà ở Việt Nam, từ 2004 —>2018 chúng ta cũng đã có nhiều kinh nghiệm để chọn được, xác định được nơi nào, vị trí nào có khả năng xây nhà yến thành công nhanh, lâu dài, bền vững, trả lời được các câu hỏi nên xây nhà yến tập trung hay xây phân tán? ở đô thị, nông thôn, hải đảo…? có nên làm nhà cơi nới trên nhà của mình đang ở hay không? Chọn vùng có nhiều thủy vực hay khô hạn?…
Không thể chạy theo ý muốn của chủ đầu tư cũng như không thể chạy theo lợi nhuận của nhà thiết kế tư vấn chỉ biết lợi nhuận thiết kế xây dựng nhà, nghĩa là cần dựa vào tính khách quan về đời sống sinh học của chim để xem xét vùng xây dựng có thích hợp lâu dài không để tiến hành đầu tư thì cơ hội đem lại lợi nhuận nhanh và nhiều hơn !