215 lượt xem
Chim yến là loài chim mang lại nhiều lợi ích kinh tế và lợi ích về sức khỏe cho con người. Gần đây, các doanh nghiệp và người dân không ngừng nổ lực, vận dụng khoa học kỹ thuật để phát triển và thu hút chim Yến về nhà nuôi, tuy nhiên trong thời gian qua, người nuôi tại các tỉnh lo lắng về số lượng chim yến ngày càng giảm sút. Để tìm hiểu nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sản lượng đàn chim yến, mời quý độc giả cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!
Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc khai thác và phát triển nghề nuôi chim yến, do nước ta có bờ biển dài trên 3.440 km (kể cả các đảo), có gần 4.000 hòn đảo lớn nhỏ và nhiều dãy núi nhô ra biển hình thành các eo vịnh, đầm phá, là những lợi thế để phát triển quần thể chim yến Hàng (yến đảo).
Bên cạnh đó, 10 năm trở lại đây, nghề nuôi yến trong nhà để lấy tổ với mục đích thương mại đã phát triển mạnh mẽ. Cả nước hiện có 42 tỉnh, thành phố hình thành, phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà với tổng số trên 8.540 nhà yến, nhiều nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là khu vực Đông Nam Bộ, khu vực duyên hải miền Trung.
Đến cuối năm 2018, sản lượng yến sào của cả nước đạt khoảng 63.400 kg. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, như quy trình kỹ thuật ấp nở chim yến nhân tạo, dẫn dụ chim yến, xây nhà nuôi yến… ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người nuôi.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn, phát triển các đàn chim yến sống trên các đảo tự nhiên đã được chú trọng, với sản lượng khai thác năm 2018 đạt khoảng 4.500kg. Chỉ riêng vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nơi tập trung phần lớn các đàn chim yến tự nhiên, đã có 223 hang yến đảo tự nhiên.
Tuy nhiên, hiện nay do biến đổi khí hậu trái đất có những diễn biến phức tạp, khí hậu ngày càng bất thường và khắc nghiệt, nhiệt độ lên xuống thất thường, mùa đông quá rét mùa hè quá nóng và khô hạn, ngay cả vùng Đà Nẵng, nơi mà chim yến sống ổn định từ lâu, thì gần đây, nhiều thời gian nhiệt độ cũng xuống thấp dưới ngưỡng chim ưa thích.
Chưa kể đến các vùng từ Huế trở ra đến Thanh Hóa nơi mà thời gian qua chim đã cư trú khá nhiều, nhưng vào mùa đông nhũng năm gần đây không khí cũng quá lạnh. Bầu trời âm u, nhiều mây, ít khi thấy mặt trời xuất hiện…
Thời gian kéo dài của một chu kỳ sinh sản phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó còn phụ thuộc cả vào tổng nhiệt ( tức tổng nhiệt độ trung bình ngày cộng lại cho cả một chu kỳ sinh sản) và giờ chiếu sáng mà chim nhận được, vì thế mà thời gian làm tổ,…. trong mùa đông và mùa hè có khác nhau, hoặc làm cho thời gian sinh sản của một số chim kéo dài hoặc bỏ qua vụ đẻ.
Hiện nay, xuất hiện hình thức bắt, nhốt, làm thực phẩm bằng chim Yến gây ra thiệt hại rất lớn cho người nuôi, chủ nhà Yến và nhiều lao động địa phương đang có thu nhập cao bằng nghề này.
Trong khi mỗi con chim Yến mang giá trị kinh tế hàng triệu đồng mỗi năm thì các đầu mối lại mua mỗi con chim yến được giăng bẫy săn bắt với giá từ 500 đồng đến 2.000 đồng, bán cho các quán nhậu hay các điểm làm chim phóng sinh, trong khi giá trị tổ của chim yến mang lại bởi một con chim Yến tăng gấp nhiều lần.
Chim Yến khi bị bắt nuôi nhốt hai đến ba ngày sau đó mang phóng sinh thì sức đề kháng yếu hơn bình vì không được cho ăn, có thả ra thì cũng khó sống được.
Để giảm bớt tình trạng săn bắt chim yến làm thiệt hại hiệu quả kinh tế, các nhà nuôi Yến, các Chi hội nuôi Yến cần có đề nghị bằng văn bản, Hiệp hội sẽ có công văn gửi các cấp chính quyền cùng phối hợp tránh tái diễn tình trạng này.
Vừa qua số lượng tổng đàn chim không tăng, nếu không nói là đã giảm xuống, do nhiều lý do:
Có một thời gian, bất chấp các đặc điểm sinh lý của chim, nhiều người cổ xúy cho chuyện nuôi yến vùng lạnh, xây nhiều nhà yến ở Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định…
Khi xây xong họ mở tiếng gọi chim, vào mùa hè, nhiều chim bay ra trú ngụ, đây là nơi đang có nhiều côn trùng, là một vùng đất mới, chưa có nhiều chim yến kiếm mồi.
Chim yến thích bay ra trú ngụ trong những nhà yến trên, nên số lượng chim ở các khu vực phía bắc cũng tăng lên nhanh. Tuy nhiên vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, có vùng nhiệt độ xuống 7 – 10oC kéo dài 5 – 10 ngày, đã xuống đến ngưỡng nhiệt độ chết của chim yến, đặc biệt là chim non.
Do thời tiết lạnh, chim yến trưởng thành phải đi tìm mồi từ sáng sớm đến tối mịt mới về, trời lạnh chim khó kiếm mồi được, ngoài thiên nhiên côn trùng cũng không có ( dân gian vẫn thường nói trời rét không có muỗi), chim vừa đói vừa rét. Chim non không được ủ ấm, hạ thân nhiệt nên có thể bị chết do cóng.
Từ những nhận định trên chúng ta rút ra được bài học gì để bảo vệ nhà yến vào mùa lạnh:
Về nhiệt độ nhà yến: Nếu nhiệt độ nhà yến giảm xuống dưới 19 – 20oC thì cần có các biện pháp đẩy thân nhiệt độ nhà yến lên như bịt bớt ống thông gió nhà yến, phun sương ấm, đèn sưởi hoặc lắp thiết bị sưởi cho nhà yến.
Đàn chim yến ở một số nơi cũng đã già (tính từ lúc bắt đầu rộ lên phong trào nuôi yến vào những năm 2004, tuổi thọ những con chim đầu đàn đã trên 12 năm, sinh sản của chúng có thể giảm, không đẻ nữa hoặc đẻ ít.
Sinh sản của chim còn phụ thuộc khá lớn vào thức ăn: Vùng có nhiều nhà yến, nhiều chim, sự cung cấp thức ăn sẽ không đủ và thiếu, trong điều kiện đó chim sẽ phải đi xa kiếm mồi, tiêu tốn nhiều năng lượng, như vậy sự sinh sản cũng kém đi.
Ở những khu vực nuôi yến tập trung, số nhà yến quá nhiều với số chim khá đông, thì lượng thức ăn càng thiếu, trong lúc đó hiện tại chúng ta lại chưa chú ý đến khâu nuôi côn trùng, tăng thức ăn cho chim….
Hơn thế nữa, vùng nào phun nhiều thuốc sâu thì côn trùng càng ít, chim ăn phải côn trùng nhiễm thuốc sâu cũng sẽ chết một số….
Côn trùng ít, chất lượng côn trùng kém, thì tổ có chất lượng kém, mỏng, số lượng tổ /trên một kg sẽ nhiều hơn, giá thành sẽ thấp hơn… các nhà nuôi yến cần xem trọng hơn vấn đề bổ sung thức ăn cho chim.
Một vấn đề khác ảnh hưởng đến sản lượng tổ là phương pháp thu hoạch tổ yến: Để giúp cho sản lượng tổ trong các nhà yến tăng dần, khi thu hoạch tổ yến đã dày đăc chim cần phải chú ý tiến hành khác đi, không phải thu tĩa hàng tháng sau khi chim con bay .
Qui trình thu hoạch tổ yến đúng:
Nhà chim mới làm và dưới 200 tổ không được thu hoạch tổ, khi có 200 tổ mới thu hoạch lần đầu. Một số năm đầu cứ 6 tháng mới thu tĩa/ một lần, tiếp đến, một số năm sau nữa là 3 tháng thu tĩa một lần, dần dần mới thu tĩa hàng tháng.
Thu tĩa 3 hoặc 6 tháng lần, nghĩa là trong đó sẽ có những con chim sử dụng tổ đó 2 lần, sau khi chim con bay rồi, chim không phải làm lại tổ, chỉ quẹt sơ sơ rồi đẻ trứng lại, như vậy chim sẽ đở mất nhiều năng lượng làm tổ, chim an tâm trở về lại tổ của mình và chim sẽ khỏe mạnh hơn.
Nếu thu tĩa tổ hàng tháng thì tất cả các tổ đều nhất thiết phải làm lại tổ từ đầu. Phương pháp này làm chim mất rất nhiều năng lượng: Đó là năng lượng dùng cho làm tổ (thời gian làm tổ mất 40 – 80 ngày, tùy mùa đông hay hè, mùa đông tại hang động chim phải làm tổ từ tháng 1 đến cuối tháng 3), năng lượng đẻ trứng, ấp trứng, nuôi con.
Vấn đề giảm sản lượng còn có thể giải thích, là đàn chim con sinh ra đó có thể đã ít hoặc không quay trở về trong các nhà yến đã đông chim, bởi vì không còn chổ cho nó làm tổ.
Người nuôi yến cần tạo thêm nhiều chổ để chim bám, như tìm cách mở rộng chổ để chim con về có chổ làm tổ. Nếu số tổ có trên giá gỗ đã đạt mức tối đa trên một m2 (theo một số tư liệu là 40 tổ/m2) mà nhà đó lại khó mở rộng diện tích thì khả năng tăng sản lượng sẽ rất khó.
Vấn đề địch hại rất quan trọng: Cần kiểm tra xem có con gì vào ăn trứng yến không như: Tắc kè, chuột, chim, dơi nhỏ…nó làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng yến. Cần xem xét dưới sàn có các hiện tượng chim chết, lông, võ trứng…hay không.
Để kiểm tra xem sức khỏe của đàn chim thế nào nên tìm hiểu vấn đề thay lông, rụng lông của chim. Nếu chim phải sinh sản nhiều lần một năm nó sẽ rụng lông nhiều và vì vậy nên xem mùa rụng lông vào lúc nào, đếm các lông rụng…