1840 lượt xem
Yến sào, từ xưa tới nay vẫn được coi là món ăn bổ dưỡng và quý giá. Tuy nhiên trong quá trình chế biến, rất có thể bạn đã vô tình làm mất đi một số chất, hoặc dùng không đúng phương pháp, khiến cho cơ thể chúng ta không hấp thụ được tối đa dưỡng chất từ yến.
Yến sào vốn là một trong 8 món ăn bổ dưỡng chỉ có trong ẩm thực cung đình (bát trân). Một kilogram tổ yến thô hiện nay có giá khoảng 32 – 34 triệu đồng; yến tinh chế 42 – 85 triệu đồng; yến đảo dao động 85 – 240 triệu đồng.
Giá cao và nhu cầu mua yến sào để chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, khiến nhiều cơ sở đã trà trộn yến giả, kém chất lượng vào thị trường.
Dưới đây là những chia sẻ về cách lựa chọn và chế biến yến chất lượng:
Yến thô: Còn nguyên lông và tạp chất, chưa qua xử lý. Người mua về tự đãi, rửa, loại bỏ tạp chất trước khi sử dụng. Giá yến thô rẻ hơn, nhưng người mua không biết cách xử lý đúng, khiến yến còn xót lông măng, sau khi chế biến có thể gây ảnh hưởng đến phổi. Sơ chế không đúng cách còn làm mất chất, giảm giá trị dinh dưỡng của tổ yến.
Yến tinh chế: Là loại yến đã qua xử lý, loại bỏ lông, tạp chất, cho vào tủ sấy khô và khử trùng bằng tia cực tím, đóng gói và bảo quản theo tiêu chuẩn của Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm. Yến tinh chế gồm nhiều loại như yến tươi bảo quản ngăn đông; yến rút lông…
Yến đảo: Là tổ tự nhiên của loài yến trên các vách đá lồi lõm ở đảo; phần chân tổ cứng, chắc chắn và thường không bằng phẳng. Do tác động của thời tiết, nên tổ thường sần sùi. Tổ càng già có màu sắc càng đậm.
Yến nhà: Là yến làm tổ trong các khu vực nuôi yến, bám trên các vách nhân tạo, nên chân tổ bằng phẳng và khá to. Sợi yến đảo thường dai, sợi yến nhà giòn hơn.
Tổ yến thật ngửi thấy mùi tanh của nước biển. Tổ có màu trắng vàng hoặc vàng da cam, đỏ (nếu là yến hồng hoặc yến huyết), không phai màu khi ngâm nước. Với yến nguyên tổ, sợi chồng chéo đan xen như xơ mướp đạt tiêu chuẩn tốt nhất.
Một số cơ sở trộn đường làm tăng trọng lượng và sử dụng chất tẩy trắng có hại cho sức khỏe. Để dễ phân biệt, có thể ngâm yến trong nước.
Yến thật dù ngâm trong nước hay đun sôi đều còn nguyên hình dạng sợi yến, nước ngâm vẫn trong, không biến màu, trong khi yến làm giả sẽ nhả ra sau 2 – 3 phút.
Ngoài ra, yến già ăn giòn hơn, tổ yến non sẽ nhão hơn. Yến nấu chín còn nóng sẽ có mùi đặc trưng, tanh nhẹ, không nhả sợi. Nếu yến chế biến xong chưa dùng ngay, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, mùi tanh sẽ gần như biến mất.
– 1 thau nhỏ nước sạch màu trắng dễ nhặt lông.
– 1 nhíp nhặt lông chuyên dùng.
– 1 cái ray lỗ nhỏ
– 1 cái dĩa hoặc cái chén sạch để đựng yến.
Bước 1: Ngâm tổ yến trong khoảng 1 – 2 tiếng đồng hồ tùy theo loại yến và độ dày mỏng của tổ yến, bạn ngâm cho đến khi sợi yến nở tơi đều ra.
Bước 2: Tổ yến sau khi ngâm tiến hành làm cho ráo nước và cho vào một đĩa ( màu trắng ) và chuẩn bị một chén nước sạch. Tiếp theo chúng ta tiến hành nhặt lần đầu những lông lớn và những tạp chất ( đất, vôi v.v….. ) và một số lông kim, lông tơ (lông nhỏ khó nhặt ). Chén nước sạch ta dùng để nhúng đầu nhíp vào khi nhặt lông.
Bước 3: Sau khi nhặt lần đầu tương đối sạch, khi đó tổ yến còn một số lông kim và tạp chất nhỏ khó nhặt. Chúng ta tiến hành gắp từng phần yến để vào ray và để vào 1 tô nước.
Dùng muỗng khuấy nhẹ sẽ làm rớt đi những lông kim khó nhặt và hạn chế để tổ yến tiếp xúc nước thời gian lâu vì dễ làm mất đi những khoáng chất có trong tổ yến ( dùng loại ray có lỗ nhỏ sẽ không làm rớt yến ra ). Tiếp tục ta tiến hành làm cho hết phần yến còn lại.
Bước 4: Làm lại bước 3 thêm một lần nữa. Lúc này ta sẽ có được tổ yến sạch lông và có thể tiến hành nhặt lông lại tùy theo nhu cầu.
Bước 5: Nếu Quý khách làm 1 lần để dùng cho nhiều lần thì phần yến sạch sau chưa dùng tới, các bạn để vào ray, để ráo nước rồi mới để vào tủ lạnh bảo quản. Không để tổ yến còn nước khi bảo quản trong tủ lạnh vì sẽ làm hư tổ yến.
Bước 6: Chúng ta tiến hành lấy phần yến đem chưng cách thủy hoặc dùng nồi chưng chuyên dùng.
Phần yến sạch chưa dùng tới, Quý khách phải để ráo nước ( tương đối) rồi mới để vào tủ lạnh bảo quản.
Khi làm sạch lông yến, không nên ngâm tổ yến vào nước nóng, vì nước nóng sẽ làm tan yến và làm mất một số chất.
Không nên dùng bất cứ chất gì để tẩy rửa tổ yến, ngoài nước sạch. Nhiều người dùng rượu, dầu ăn…để tẩy rửa. Điều này không cần thiết, và cũng làm yến mất chất, hoặc mất mùi vị. Chỉ cần nước là có thể làm sạch yến.
Thời gian ngâm tổ yến không nên quá lâu, trên dưới 3 giờ khi thấy yến tơi ra là được.
Do tổ yến có giá trị dinh dưỡng cao, nên chế biến cần đúng cách. Yến sào có nhiều cách chế biến tùy theo vùng miền, phổ biến nhất là chưng yến với đường phèn và các vị thuốc bắc; ngoài ra còn hầm gà, chưng táo đỏ…
Lưu ý, không đựng yến vào chén, dĩa kim loại, mà chỉ dùng đồ sứ để chưng. Ngoài ra, phải chưng cách thủy chứ không nấu trực tiếp.
Khi tiến hành chưng cách thủy, cho yến sạch và 1 lát gừng vào chưng ( mục đích làm giảm bớt mùi tanh của yến ) cho đến khi nồi chưng bắt đầu nổi bọt sôi là vừa. Bắt xuống và cho đường phèn vào ( số lượng tùy theo quý khách ).
Các bạn tuyệt đối không cho đường phèn vào cùng lúc với tổ yến khi bắt đầu chưng. Vì làm theo cách này, tổ yến sẽ không nở ra và cơ thể sẽ không hấp thụ hết dưỡng chất.
Bên cạnh đó các bạn cũng không biết được tổ yến mình đang dùng là thật, giả hay kém chất lượng. Vì khi chưng đường phèn tan ra và bao bọc tổ yến làm cho tổ yến giả, yến kém chất lượng không tan ra. Đây là một cách giúp ta phân biệt được yến sào chất lượng cao hay giả, kém chất lượng.
Thời gian chưng cách thủy đối với Tổ Yến Nuôi Thô trắng (yến non) là khoảng 15 phút – 20 phút (khi mới bắt đầu nổi bọt sôi là vừa). Yến vàng thường già hơn, thời gian chưng khoảng 45 – 50 phút, tùy thuộc vào số lượng tổ yến.
Thời gian chưng Tổ Yến Nuôi Thô khi dùng nồi chưng chuyên dùng là khoảng 50 phút – 1 tiếng 20 phút (khi mới bắt đầu nổi bọt sôi là vừa và thời gian sôi tùy theo Tổ Yến già hay non).
Nếu không nấu yến ngay sau khi làm sạch, bạn nên vắt khô tổ yến rồi cho vào tủ lạnh, ngăn mát. Thời gian lưu tổ yến khoảng 1 tuần, nếu muốn lưu lâu hơn, nên bật quạt thổi cho yến thật khô,( tránh phơi nắng) rồi cất vào hộp kín, nơi khô ráo.
Yến là thực phẩm bổ dưỡng, không phải là vị thuốc thần kỳ, nên nếu có yến, chúng ta hãy đem dùng, không nên đem cất giữ từ năm này qua năm khác. Tuy tổ yến có thể lưu giữ rất nhiều năm nếu giữ khô ráo, nhưng nếu để quá lâu, có thể gây mất chất, biến chất. Không nên ăn yến bị nấm mốc…
Tổ yến, yến sào là thực phẩm quý giàu chất dinh dưỡng nhưng không phải vị thuốc thần kỳ nên không nên cất giữ lâu, nếu có tổ yến thì nên dùng ngay, tổ yến có thể để lâu ở nơi khô ráo, nhưng đừng để quá lâu vì sẽ làm mất đi một số dưỡng chất có trong tổ yến:
Hi vọng những thông tin qua bài viết này sẽ giúp bạn dễ dàng lựa chọn tổ yến và thực hiện công đoạn nhặt lông, làm sạch, cũng như bảo quản sử dụng tổ yến đúng cách để nâng cao sức khoẻ của gia đình và người thân nhé.