159 lượt xem
Để ổn định đầu ra cho ngành chim yến, các địa phương và công ty đề xuất tiêu chuẩn, quy định về quản lý và phát triển nuôi chim yến, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu quốc gia và truy xuất nguồn gốc sản phẩm yến sào Việt Nam.
Chiều 20/4, tại Tp.Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị quản lý và phát triển nuôi chim yến, với sự tham gia của đại diện 11 tỉnh, thành trọng điểm trong cả nước về nuôi chim yến.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ở nước ta, nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại là một hoạt động sản xuất đã xuất hiện lẻ tẻ từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam bộ.
Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển khá mạnh và với nhiều loại hình và quy mô khác nhau.
Theo báo cáo sơ bộ của các tỉnh, hiện nay cả nước có 32/63 tỉnh có nuôi chim yến với tổng số 4.283 nhà yến; trong đó, nhiều nhất là tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tiếp đến là Đông Nam bộ, Duyên hải miền Trung. Dù có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên ngành này đang bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong công tác quy hoạch.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đến nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến.
Đây là một việc rất khó cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt công tác quy hoạch.
Thực tế có đến trên 90% cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư, nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân. Điều này gây nhiều bức xúc đối với người dân xung quanh.
Đơn cử như ở Bình Định, trên địa bàn thành phố Quy Nhơn đã có số lượng hộ nuôi chim yến phát triển nhanh trong thời gian gần đây.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này thì có đến 129 hộ nuôi chim yến trong khu vực thành phố Quy Nhơn; trong đó, chỉ tính riêng tại phường Nhơn Bình đã có tới 39 hộ tập trung tại khu dân cư phía Đông đường Điện Biên Phủ.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho hay, hầu hết các hộ hoạt động dẫn dụ gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đều tự phát; thực hiện theo mô hình “hai trong một” theo kiểu “chim yến ở tầng trên, con người ở tầng dưới”.
Phương thức nuôi chủ yếu là dẫn dụ thông qua việc sử dụng thiết bị âm thanh để hấp dẫn chim yến đến trú ngụ và làm tổ. Do đó, các hộ nuôi yến lắp đặt hệ thống âm thanh và mở suốt ngày đêm.
Thực trạng này tiếp diễn trong thời gian dài, dẫn đến hệ lụy phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực như: ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường từ chất thải, nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng dân cư.
Thực tế trong thời qua, nhiều hô dân sống trong khu vực nuôi chim yến nhiều như thành phố Quy Nhơn đã có nhiều bức xúc, gửi đơn thư khiếu nại và Cục Chăn nuôi cũng đã vào tỉnh Bình Định làm việc.
Không chỉ riêng Bình Định, nhiều địa phương cũng đang trong tình trạng này. Ngoài các bất cập liên quan đến vấn đề quy hoạch, tiếng ồn, hàng giả…, ngành chim yến Việt Nam vẫn còn “khuyết” vai trò dẫn dắt ngành phát triển.
Mặc dù đã có Hiệp hội yến sào Việt Nam nhưng đơn vị này vẫn chưa thể hiện được vai trò tư vấn (kỹ thuật nuôi chim yến , thông tin về thị trường) và những vấn đề có liên quan đến nuôi chim yến của người dân và hội viên.
Việc “khuyết” vai trò này cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngành yến sào Việt Nam chưa có thương hiệu chung của ngành, vẫn chưa xuất khẩu chính ngạch dù thị trường khá tiềm năng.
Theo bà Đỗ Tú Quân, Chi hội trưởng Chi hội Nhà Yến Việt Nam, hiện các doanh nghiệp yến sào Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu dù nhu cầu tiêu thụ rất lớn, nhất là sang thị trường Trung Quốc.
Yến sào Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vẫn là tiểu ngạch hoặc bán cho khách du lịch “xách tay” về Trung Quốc bán.
Nguyên nhân chủ yếu là do yến sào Việt Nam chưa đạt các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, quản lý nuôi và quan trọng hơn là cơ quan chức năng hai nước chưa ký kết Nghị định thư về xuất nhập khẩu yến sào.
Cũng theo bà Quân, mặc dù giá yến sào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng đầu năm nay, từ 15 – 16 triệu đồng/kg tổ yến thô năm 2017 lên 23 – 24 triệu đồng/kg, có nơi giá lên tới 30 triệu đồng/kg yến thô.
Riêng giá yến tinh (làm sạch) loại chất lượng tốt nhất đã lên khoảng 100 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán yến sào tinh tại thị trường Trung Quốc có giá cao ngất ngưởng 200 – 300 triệu đồng/kg mà không có đủ hàng để bán.
Để ổn định đầu ra cho ngành chim yến, các địa phương và công ty đề xuất các Bộ, ngành cần làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc để đàm phán xuất khẩu sản phẩm tiềm năng yến sào này. Trong nước cần sớm có tiêu chuẩn, quy định về quản lý và phát triển nuôi chim yến, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu quốc gia và truy xuất nguồn gốc sản phẩm yến sào Việt Nam.
Trước thực trạng còn nhiều tồn tại, khó khăn của ngành hàng này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết:
“Trong thời gian tới, Bộ và các đơn vị liên quan sẽ tập trung rà soát, xây dựng và hoàn thiện các thủ tục pháp lý về ngành hàng chim yến, để vừa quản lý tốt về môi trường, dịch bệnh và phát triển ngành nuôi chim yến một cách bền vững.
Đồng thời, có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước về mặt khoa học công nghệ và phát huy vai trò năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển ngành hàng”.
Liên quan đến kiến nghị của doanh nghiệp về vấn đề xuất khẩu, Thứ trưởng Vũ Văn Tám giao Cục Chăn nuôi phối với các doanh nghiệp yến xào tổ chức chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệp ở nước ngoài như Malaysia, Indonesia, Trung Quốc….
Riêng Malaysia hiện đã làm tốt các tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và nhiều nước khác. Từ đó, đoàn sẽ đề xuất các tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện nuôi, chế biến hướng tới xuất khẩu yến sào Việt Nam.
Đồng thời, củng cố lại Hiệp hội Yến sào Việt Nam để thực sự là một đơn vị cầu nối giữa các cơ sở nuôi chim yến với các cơ quan Nhà nước cũng như thúc đẩy xây dựng thương hiệu, chất lượng và quảng bá sản phẩm của chim yến để hướng tới xuất khẩu đi Mỹ, cũng như các nước khác./.