Cách chưng yến sào với táo đỏ, hạt sen, nhãn nhục, bạch quả (Yến chưng tứ bảo)

Tổ yến chưng đường phèn với bạch quả, hạt sen, táo tàu và nhãn nhục, hay còn gọi là món “yến chưng tứ bảo” rất bổ dưỡng, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đàm, bổ phổi, tăng cường tuần hoàn máu, làm đẹp da, tăng cường trí nhớ và sức khỏe, nâng cao sức đề kháng. Cùng học ngay nhé!

Cách chưng yến sào với hạt sen, táo đỏ, nhãn nhục, bạch quả 1
Yến hồng tự nhiên

1. Yến sào là gì ?

Yến sào (còn được gọi là “Tổ yến”) là loại thực phẩm mà từ xa xưa được xem như một món ăn giá trị và quyền quý. Nó xuất hiện ở một số các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Campuchia,… và được tạo ra bằng chính nước dãi của chim yến trống và chim yến mái.

Đây là thực phẩm vô cùng bổ dưỡng, chứa các khoáng chất như Canxi, Magie, Kali,… và được chia làm rất nhiều loại dựa theo nguồn gốc, màu sắc và theo quan niệm của những người sành sỏi về yến.

Trong đó bạch yến là loại yến được sử dụng phổ biến nhất trên thị trường, ngoài ra còn một số loại yến như huyết yến, hồng yến, yến đảo…

2. Công dụng tuyệt vời của yến sào

Trong yến sào còn chứa 18 axit amin, cùng nhiều khoáng chất và một khối lượng dồi dào các nguyên tố đa vi lượng như Ca, Fe, Mn, Br, Cu, Zn, Cr, Se,… đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể như :

– Giảm căng thẳng mệt mỏi.

– Tăng cường độ ẩm.

– Giảm nếp nhăn.

– Chống lão hóa.

– Giúp da mịn màng, săn chắc.

– Hỗ trợ việc cải thiện hệ hô hấp.

– Giảm huyết áp.

– Cải thiện chức năng tim.

– Điều hòa lưu thông máu trong cơ thể.

– Tăng tuổi thọ con người.

3. Tổ yến kết hợp với hạt sen, táo tàu, bạch quả và nhãn nhục sẽ mang lại tác dụng như thế nào ?

Theo đông y, hạt sen vốn có vị ngọt, tính bình (không lạnh, không nóng) có tác dụng bổ tỳ dưỡng tâm, chữa bệnh mất ngủ, chậm tiêu, đầy bụng,…Trong Y học hiện đại hạt sen còn có một số công dụng đối với sức khỏe và giúp làm đẹp an toàn.

Táo tàu có tính ôn, vị ngọt của táo có tác dụng bổ ích tỳ vị, dưỡng huyết an thần, có hiệu quả điều trị với người tỳ vị suy nhược, ăn ít, phân loãng, mệt mỏi, khí huyết không đủ, tim đập nhanh;…

Bạch quả có tính chất thu sáp, bạch quả ăn chín thời ôn mà ích khí, ích phổi, tiêu đờm, trừ được hen, dẹp được ho khỏi được chứng tiểu tiện, hết được chứng khí hư, bạch đới. Bạch quả ăn sống giáng được đờm, tỉnh được say rượu, tiêu được độc, sát được trùng.

Nhãn nhục (phần cùi nhãn được phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ cao) là một vị thuốc quý, được sử dụng dưới nhiều dạng khác nhau như để nguyên múi, sắc thuốc, nghiền làm thuốc hoàn,…, nhằm bồi bổ cơ thể, phòng và chống các bệnh liên quan đến suy nhược thần kinh, tổn thương tỳ, vị,…

Nếu kết hợp các nguyên liệu này lại sẽ có một món ăn thanh mát, giàu giá trị dinh dưỡng, giúp bồi bổ sức khỏe, giải nhiệt, làm giảm triệu chứng mất ngủ, suy nhược cơ thể,….

Cách chưng yến sào với hạt sen, táo đỏ, nhãn nhục, bạch quả 2
Táo tàu

4. Công thức chế biến món “Yến chưng tứ bảo”

Nguyên liệu cho món ăn:

– Tổ yến thô hoặc đã tinh chế: 10gram.

– Hạt sen (khô hoặc tươi): 10 hạt.

– Táo đỏ: 10 quả.

– Bạch quả: 5 hạt (không nên ăn quá 15 hạt bạch quả/lần tránh tình trạng ngộ độc).

– Nhãn nhục: 1 thìa nhỏ.

– Dụng cụ sơ chế và chưng yến.

– Đường phèn: 20 gram (hoặc có thể thay đổi tùy mỗi người).

Thực hiện:

Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, các bạn thực hiên theo các bước sau:

Bước 1: Ngâm yến sào bằng nước ấm khoảng 2 tiếng cho nở mềm, sau đó nhặt sạch lông (đối với yến thô). Nếu các bạn dùng yến tinh chế thì ngâm yến vào nước ấm khoảng 30 phút cho sợi yến mềm là có thể chưng được.

Bước 2: Hạt sen, táo đỏ, bạch quả, rửa sạch và luộc riêng mỗi thứ cho mềm.

Bước 3: Nhãn nhục ngâm với nước và xé tơi ra.

Bước 4: Cho đường vào nồi với 1.5 chén nước nấu tan đường phèn ra, rồi lược sạch cặn, bạn có thể cho thêm lá dứa vào nấu cùng đường phèn cho thơm.

Bước 5: Cho tất cả các nguyên liệu trên vào thố và chưng cách thủy 30 phút là được.

Bây giờ thì chúng ta đã có “yến chưng tứ bảo” thật ngon, với món này các bạn có thể dùng nóng, hoặc lạnh đều được.

Món yến chưng này có giá trị dinh dưỡng cao, làm tăng cường sức dẻo dai, giúp cơ thể cường tráng, kích thích tiêu hóa, giúp an thần, và có thể chữa được bệnh ho.

Cách chưng yến sào với hạt sen, táo đỏ, nhãn nhục, bạch quả 3
Yến chưng tứ bảo

5. Một vài lưu ý cần biết

Thời gian chưng yến tùy thuộc vào từng loại yến khác nhau:

Yến đảo hay yến nuôi tự nhiên:

Ngâm nước ấm 2 – 3h, chưng trong khoảng 1h45 phút.

Yến sào nuôi đã qua công đoạn tinh chế làm sạch:
  • Nếu bạn sử dụng phương pháp chưng cách thủy bằng chén và nồi chưng bình thường thì thời gian ngâm yến trong nước ấm là 15 phút, thời gian chưng khoảng 30 – 45phút.
  • Trường hợp các bạn sử dụng nồi chưng chuyên dụng để chưng yến thì thời gian ngâm nở là 15 phút và thời gian chưng yến cho thố chưng chuyên dụng là 60 phút.
Yến đảo đã được tinh chế:
  • Nếu bạn sử dụng phương pháp chưng cách thủy bằng chén và nồi chưng bình thường thì thời gian ngâm nở của yến trong nước ấm là 30 phút, thời gian chưng yến 1g45 phút.
  • Trường hợp các sử dụng nồi chuyên dụng để chưng yến thì thời gian ngâm nở là 20 phút và thời gian chưng yến trong thố chưng chuyên dụng là 1g30 phút.
Lưu ý chung khi chưng cách thủy tổ yến sào:

– Không được chế biến yến sào trực tiếp cùng các loại thực phẩm khác. Chỉ nên sử dụng phương pháp chưng cách thủy hay dùng thố chưng yến chuyên dụng vì như vậy sẽ không làm mất đi các giá trị dinh dưỡng quan trọng có trong yến.

– Chế biến các thực phẩm khác riêng ở ngoài, chưng yến riêng sau khi yến chưng chín thì mới trộn dùng chung với các thực phẩm khác.

– Liều lượng sử dụng yến cho 1 người trên 1 lần sử dụng là từ 2 – 5gram. Đừng nấu quá nhiều và dùng quá nhiều trong ngày vì như vậy sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn.

Chúc các bạn ngon miệng, ngoài ra các bạn có thể tham khao thêm các món yến chưng tương tự khác như yến chưng đường phèn, yến chưng đậu xanh,….trong các bài viết tiếp theo nhé !