Trang chủ » Người trồng nấm linh chi cần lưu ý: Các bệnh thường gặp và cách chữa trị
Người trồng nấm linh chi cần lưu ý: Các bệnh thường gặp và cách chữa trị
29 Tháng Chín, 2019
67 lượt xem
Có thể nhiều người chưa biết, trong quá trình trồng nấm linh chi chúng ta sẽ gặp nhiều vấn đề, đơn cử như là sâu bệnh, hư bịch, nấm không phát triển… hôm nay Sâm Yến Linh Chi xin chia sẻ với quý đọc giả cùng tìm hiểu về nguyên nhân và cách phòng tránh một số trường hợp sâu bệnh mà nấm linh chi hay gặp.
1. Hiện tượng chết sợi giống hoàn toàn
1.1 Biểu hiện:
Sau khoảng 7 ngày cấy giống vào giá thể không có hiện tượng bung sợi hoặc có hiện tượng sợi ăn vào cơ chất nhưng sau đó chết dần.
1.2 Cách khắc phục:
Kiểm tra độ ẩm mùn cưa trước khi đóng túi giá thể.
Chọn mùn cưa không có độc tố hoặc bị dính hóa chất, dầu mỡ.
Chọn lọc nguồn meo giống cẩn thận trước khi cấy.
2. Bệnh sợi nấm mọc yếu hay còn gọi tình trạng co sợi
2.1 Biểu hiện:
Tơ nấm chỉ kéo trắng được 1/2 hoặc 1/3 bịch là ngưng và phát triển rất chậm.
Thời gian đầu sợi tơ nấm sinh trưởng và phát triển bình thường gần đến đáy túi co lại không phát triển tiếp và chuyển sang màu trắng thạch cao.
2.2 Cách khắc phục:
Độ ẩm trên khoảng 65% trở đi tơ nấm đa phần chỉ phát triển được 1/3 bịch nên chúng ta cần điều chỉnh lại độ ẩm trong quá trình phối trộn nguyên liệu.
Do quá trình sản xuất bịch bị rách làm nhiễm các nấm bệnh khác bên ngoài, khi tơ nấm bệnh kéo từ phía dưới đáy bịch lên gặp tơ nấm linh chi kéo từ phía trên xuống gặp nhau sẽ tạo ra vùng màu trắng thạch cao.
Nên cẩn thận trong quá trình sản xuất và lựa chọn giống meo tốt, ngoài ra khi hấp thanh trùng cũng cần đúng thời gian và nhiệt độ.
Ở trường hợp này vẫn có thể rạch bịch ở những nơi tơ linh chi kéo trắng để tận thu ra nấm.
3. Bệnh liên quan đến sự phát triển của thân và bào tử nấm
3.1 Quả thể kết nụ nhưng không phát triển
Nguyên nhân
Nhiệt độ dưới 17oC cũng làm nấm rất khó hình thành quả thể và phát triển.
Nhiệt độ trên 35 – 36oC: không hình thành quả thể nấm linh chi hoặc nếu hình thành quả thể có dạng sừng hươu.
Độ ẩm không khí xuống quá thấp nhỏ hơn 60%: quả thể nấm không hình thành hoặc khi hình thành lên cổ nút sau đó bị chuyển màu vàng sậm rồi chết.
Độ ẩm không khí lên quá cao trên 95%: quả thể nấm đang phát triển sẽ chuyển sang trạng thái mềm nhũn, thối chân và nhầy nhớt
Khắc phục
Điều chỉnh nhiệt độ trong trại thích hợp từ 25 – 30oC, có thể tưới nền, tưới phun sương trong trại. Nếu trại độ ẩm quá cao nên kéo bạt/lưới phủ ra bớt cho thông thoáng, không nên phủ kín 100% mà để hở ở phần dưới dặt đất hoặc phía trên cao.
Chọn thời điểm thích hợp để nuôi trồng.
3.2 Hình thành nụ và bị chia nhánh (phân thùy)
Nguyên nhân
Do quá trình phát triển tự nhiên do chúng ta rút bông hoặc do nới nút bông chưa đúng kỹ thuật nên nấm sẽ bị phân thùy ra làm nhiều nhánh (có thể từ 2 – 3 nhánh hoặc nhiều hơn).
Như vậy một quả thể nấm sẽ có nhiều mũ và nhánh nấm nhỏ, dẫn tới nấm không được đẹp/giảm chất lượng…
Khắc phục
Nên chọn nhánh to khỏe nhất giữ lại và dùng kéo cắt/tỉa những nhánh xung quanh đi, chỉ để lại 1 nhánh duy nhất
3.3 Bị sâu/bọ phá trong quá trình hình thành nụ trở đi
Nguyên nhân
Sâu/sâu đục thân có thể đã nằm trong giàn trại hoặc môi trường xung quanh, khi đục vào thân nấm sẽ làm quả thể nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm mốc… gây thối nhũn hoặc thể phát triển quả thể được nữa.
Do các động vật: nhện, rệp, mối, kiến… phá hoại gây hư hoặc thối nhũn…
Khắc phục
Nên vệ sinh giàn trại ngay trước thời điểm đưa bịch về và cả ngay trong quá trình trồng.
Cho dù chúng ta có cắt quả thể này đi để cho quả thể mới phát triển cũng không khả thi nếu chưa diệt được sâu đục thân.
Nên rạch ở một vị trí khác để nấm có thể phát triển mới hoàn toàn và cắt bỏ quả thể nấm bị sâu đục thân.
Dùng hương xua ruồi, muỗi khử trùng vệ sinh nhà xưởng định kỳ bằng vôi bột.
3.4 Nấm tập trung phát triển cuống và mũ nấm nhỏ
Nguyên nhân
Nồng độ CO2 quá cao (> 0,06%) ảnh hưởng đến sự phát triển của quả thể nấm linh chi, quả thể nấm dạng sừng hươu, cuống nấm kéo dài.
Thiếu ánh sáng, nấm sẽ vươn dài ra để tìm ánh sáng, khi đó chân nấm sẽ dài và mũ nấm sẽ nhỏ hoặc mỏng đi.
Khắc phục
Tăng độ thông thoáng trong trại hoặc dùng quạt để thông gió.
Tăng độ sáng bằng cách dùng bạt sáng màu và nên để hở đừng quây bạt quá kín, cũng như trong nhà chúng ta có cửa sổ giúp thoáng mát và có ánh sáng.
3.5 Nhiễm một số vi sinh vật ở quả thể
Nguyên nhân
Quả thể nấm bị nhũn khi đang phát triển bình thường hoặc quả thể bị biến dạng, quả thể bị nấm mốc bám lên và không có khả năng phát triển tiếp…
Khắc phục
Nên vệ sinh giàn trại trước lúc trồng và phải có thời gian xả trại nghỉ giữa các đợt bịch mới, ít nhất 1 – 2 tuần trở lên
Rắc vôi bột trên nền trại và xung quanh.
Dùng thuốc trừ sâu/thuốc diệt rồi kín pha liều lượng nhẹ xịt xung quanh.
Trong quá trình trồng thì nên vệ sinh sạch sẽ trại và loại bỏ các bịch bị nhiễm bệnh.
4. Những điều cần lưu ý cho người chuẩn bị nuôi trồng nấm linh chi
Đây là kinh nghiệm thực tế khi sản xuất nấm linh chi và nuôi trồng trên giá thể mùn cưa cao su, nên có thể khi nuôi trồng trên các giá thể khác sẽ có khác biệt.
Ngoài ra vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố từ nguồn nước, môi trường xung quanh….
Mọi người có thể bổ sung thêm những trường hợp sâu bệnh mà bản thân mình đã gặp phải và cách khác phục để chia sẻ với nhiều người khác ở mục bình luận bên dưới nhé !