88 lượt xem
Trên thế giới hiện nay có rất nhiều loại sâm gồm: Sâm hoa kỳ(Tây dương sâm), Sâm Canada, sâm Triều Tiên (Cao Ly sâm), Sâm Trung Quốc (Kiết Lâm sâm). Tuy nhiên do chế độ sinh trưởng của mỗi loại sâm khác nhau vì thế chúng hoàn toàn khác nhau về hình thù bên ngoài lẫn tác dụng.Trong bài viết này chúng ta cùng nhau tìm hiểu về Tây dương sâm cũng như những tác dụng của nó.
Tây dương sâm là một loại nhân sâm mọc ở Tây bán cầu như Mỹ, Canada, Pháp, nên được gọi là Tây dương nhân sâm, hay Dương sâm, Tây sâm, Hoa Kỳ sâm… tên khoa học là Panax quinquefolium L.
Tây dương sâm được ghi chép sớm nhất trong sách Bản thảo cương mục thập di, sau đó các y thư cổ nổi tiếng như Bản thảo cầu nguyên, Bản thảo tùng tân, Dược tính thiết dụng… đều lần lượt đề cập một cách khá tỷ mỷ.
Câu chuyện về Sâm Mỹ được bắt đầu vào năm 1709, một nhà truyền giáo người Pháp thuộc dòng Jesuit – Cha Jartoux – đã ghi nhận về sâm củ ở Trung Quốc và biên thư cho cha Lafitau ở St Louise, Canada (gần Montreal) mô tả chính xác sự hiện diện của nó.
Cha Lafitau đọc thư vào năm 1714 và trong một ngày tình cờ, ông nhận thấy những cây sâm mọc ở gần khu vực ngôi nhà mới của mình.
Lượng sâm hoang không đủ cho nhu cầu do vậy những thử nghiệm trồng trọt nó được tiến hành vào năm 1878 ở vườn thực vật tại Jamaica.
Tuy nhiên những thử nghiệm này đã không thành công cho đến khi một thợ thiếc đã nghỉ hưu là George Stanton cho nông dân trồng thành công ở Fabius, New York.
Câu chuyện của ông được đăng tải trên một tờ báo ở New York vào năm 1897, nhấn mạnh vai trò của bóng râm trong việc trồng thành công nhân sâm, kỹ thuật này thực tế đã được tiến hành ở Hàn Quốc từ nhiều thế kỷ (Yun 2001). Ngày nay nhân sâm hoa kỳ đã được trồng rộng rãi ở Canada, Mỹ, Trung Quốc, New Zealand và Australia.
Về hình dáng bên ngoài, Tây dương sâm trông khá giống với Bạch bì sâm tức là Sâm Mỹ được du nhập theo dòng lịch sử vào trồng tại tỉnh Quảng đông Trung Quốc.
Bởi vậy không ít người bán đã dùng Bạch bì sâm Trung Quốc giả làm Tây dương sâm để kiếm lời. Tuy nhiên, có thể căn cứ vào một số đặc điểm sau của tây dương sâm để phân biệt:
Nhìn chung, nếu thấy thân sâm tương đối mảnh, bề mặt có vân ngang màu đen, mặt cắt ngang màu trắng, không có các vết mỡ (nhựa cây) dạng đốm vàng nâu, vân vòng ngang không rõ rệt và hương vị tương đối kém thì đó không phải là Tây dương sâm.
Nếu Nhân sâm Châu Á mang tính dương, giúp cải thiện tuần hoàn, tăng lượng máu, giúp bồi bổ cơ thể sau khi ốm và kích thích hoạt động cơ thể thì ngược lại Tây dương sâm mang tính âm, giúp điều hòa tính dương trong cơ thể và làm mát cơ thể.
Tây dương sâm vị ngọt hơi đắng, tính lạnh, có công dụng bổ khí dưỡng âm, thanh hư nhiệt, sinh tân dịch, trừ phiền khát, thường được dùng để chữa các chứng khí hư âm suy hỏa vượng, khái suyễn đàm huyết, hư nhiệt phiền táo, nội nhiệt tiêu khát, miệng táo họng khô.
Trên đây chúng tôi đã chia sẻ với các bạn những thông tin về Tay Dương Sâm. Hy vọng bài viết này sẽ mang lại những kiến thức hữu ích dành cho các bạn. Chúc sức khỏe tốt!