41 lượt xem
Nhiều người luôn nghĩ nhân sâm là “thuốc bổ”, nên uống càng nhiều càng tốt nên thường hãm nhân sâm dùng thay nước uống quanh năm. Việc lạm dụng nhân sâm có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Luôn nghĩ nhân sâm là thuốc bổ, dùng càng nhiều càng tốt nên một số người đã hãm nhân sâm trong phích, dùng thay nước uống quanh năm, uống tinh chất nhân sâm hàng ngày.
Có người lại ăn nhân sâm như nhai kẹo cao su…Việc lạm dụng nhân sâm như trên có thể đưa đến nhiều hậu quả nguy hiểm.
Theo lời kể của một số bác sĩ tại bệnh viện (BV) ở Hà Nội, gần đây có một số trường hợp vào BV cấp cứu trong tình trạng khá nguy kịch do dùng nhân sâm không đúng cách.
Điển hình là trường hợp anh V.M (36 tuổi, ở Hòa Bình) bị xơ gan kèm chảy máu đường ruột vào BV Bạch Mai điều trị.
Sau khi ra viện 2 tuần, người vẫn yếu, nghĩ sâm có thể giúp người phục hồi sức khỏe nhanh, anh đã uống liền một lúc 30g sâm.
Sau 2 ngày, bệnh trở nên nguy cấp, bệnh nhân tiếp tục chảy máu đường ruột, đưa vào BV tỉnh cấp cứu nhưng do mất máu khá nhiều nên lại chuyển về BV Bạch Mai. Mặc dù được truyền máu, nhưng BN vẫn không qua khỏi do tình trạng chảy máu không cầm.
Chị L.H (45 tuổi, ở Hà Nội) thấy người mệt mỏi, gầy rộc do công việc bận rộn vào dịp trước Tết. Sau tết hơn một tháng, thấy người vẫn uể oải, chị liền mua thuốc bổ có nhân sâm về uống. Mỗi ngày uống đều đặn 2 viên.
Tới chu kỳ “đèn đỏ”, chị ngạc nhiên thấy huyết màu đỏ tươi, kéo dài tới 7 ngày không hết. Kỳ kinh kéo dài đến 12 ngày cùng với triệu chứng đau bụng ngâm ngẩm, chị đi khám.
Bác sĩ chuyên khoa sản đã chẩn đoán, chị bị băng huyết nhưng không rõ nguyên nhân, vì các xét nghiệm, siêu âm đều ổn.
Khi bác sĩ hỏi thời gian gần đây chị có uống thuốc gì không, chị cho biết đang uống thuốc bổ có nhân sâm, bác sĩ liền kết luận, chính nhân sâm là nguyên nhân gây chảy máu tử cung, rong kinh và băng huyết.
Bi hài hơn là trường hợp một quý ông gặp trục trặc trong chuyện chăn gối với vợ, do xấu hổ nên không đi khám mà tự tìm thuốc uống.
Được cô bán thuốc gợi ý nhân sâm có tác dụng trợ dương, tăng khoái cảm, anh chồng đã mạnh dạn mua một hộp thuốc có chứa nhân sâm hàm lượng cao về uống.
Một tháng sau, thuốc uống hết song anh càng hoảng loạn hơn vì khả năng “chiến đấu” trở về “mo”. Lúc đến khám bác sĩ nam khoa, anh mới biết mình đã cầm chắc căn bệnh liệt dương do uống nhân sâm quá liều.
Khi dùng nhân sâm thường xuyên, không đúng liều lượng sẽ dẫn đến một số tác dụng phụ như: bực bội, lo lắng và mất ngủ nặng…, một số người khác bị tăng huyết áp, mẩn ngứa, phù thũng, tiêu chảy…
Một đôi vợ chồng trẻ mệt mỏi sau tuần trăng mật, để lấy lại sức, đã mua một củ hồng sâm (khoảng một lạng) đem đun sắc lấy 800 ml nước rồi chia nhau uống hết. Nghĩ là bổ nên ăn luôn cả bã sâm.
Khoảng 10 phút sau, cả hai vợ chồng thấy nhức đầu, chân tay rã rời, tim đập mạnh, người nóng bức, nhìn vật không rõ, đôi lúc không tự chủ được hành động…
Sau 2 giờ, đầu óc họ không còn minh mẫn, miệng khô nẻ, yết hầu tụ máu, đồng tử giãn… Nhờ gọi điện cho bố mẹ đến đưa đi cấp cứu kịp thời nên đôi vợ chồng trẻ đã thoát khỏi bàn tay tử thần.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm được chế biến từ nhân sâm, như thuốc viên, tinh bột, xắt lát tẩm mật ong, siro, nước uống, chè, cao sâm… rất tiện dùng.
Các sản phẩm thuốc bổ có sâm đều khuyến cáo trước khi dùng cần hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ. Tuy nhiên, người dân sử dụng sâm rất tùy tiện.
Cứ thấy người mệt mỏi, sau ốm dậy… là mua sâm về uống mà không biết rằng, những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trong các hướng dẫn sử dụng thuốc bổ có sâm ghi rõ: Có thể gặp đa kinh hoặc kinh nguyệt khi dùng thuốc. Nếu tình trạng này kéo dài, cần đi khám.
Nhiều phụ nữ đã không để ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, tự ý uống nên bổ đâu không thấy, lại rước họa vào thân.
Không chỉ gây chảy máu cho phụ nữ, mà cả những người ốm yếu, sốt ruột phục hồi sức khỏe, những người sắp phẫu thuật, sau phẫu thuật hoặc đang bị chảy máu bên trong nội tạng mà uống thuốc bổ có sâm quá nhiều có thể làm bệnh trở nên nguy cấp, đã có trường hợp tử vong.
Các bác sĩ sản khoa cũng khuyến cáo, các loại thuốc có nhân sâm, phụ nữ uống trước, trong và sau kỳ kinh nguyệt (nhất là với phụ nữ ở tuổi sắp mãn kinh) rất dễ bị rong kinh, băng huyết không cầm máu được.
Thậm chí, có người phải cắt cả tử cung mà máu vẫn không cầm. Khi bị rong kinh, băng huyết kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cả tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Nhân sâm là một vị thuốc quý nhưng nếu dùng không đúng cách, nó sẽ trở nên vô tác dụng, hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Người huyết áp cao, người đang sốt cao, lạnh bụng bị tiêu chảy, phụ nữ có thai (hoặc có khả năng có thai), phụ nữ sau khi sinh, trẻ dưới 4 tuổi, bệnh nhân đang điều trị liệu pháp đặc biệt, chị em phụ nữ trước, trong và sau kỳ kinh nguyệt, người bị tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, bệnh gút…
Nhân sâm có thể trở thành “kẻ giết người” nguy hiểm nếu sử dụng với một số loại thuốc tây sau:
Đối với bệnh nhân bị nhồi máu não (do đột quỵ não gây ra) thường sử dụng các loại thuốc chống đông máu (như aspirin, ticlopidin, warfarin…) nếu dùng thêm nhân sâm sẽ chuyển thành tình trạng “ưa chảy máu”.
Trong khi người bệnh phải sử dụng thuốc để hạ huyết áp thì nhân sâm lại làm tăng huyết áp của bệnh nhân. Thực nghiệm cho thấy, sử dụng dịch chiết nhân sâm sẽ làm tăng huyết áp, tim co bóp khỏe hơn và mạnh hơn. Dùng nhân sâm khi đang uống thuốc hạ áp sẽ khiến điều trị trở nên vô dụng. Về lâu dài có thể dẫn đến tăng huyết áp kịch phát và tăng huyết áp kháng trị ở bệnh nhân.
Nhân sâm làm tăng chuyển hóa đường, tăng khả năng xâm nhập đường vào trong tế bào và dự trữ đường trong gan, vì thế có tác dụng hạ đường máu rất mạnh. Nếu kết hợp với các loại thuốc có tác dụng làm hạ đường máu thì lại sinh ra tình trạng quá liều.