118 lượt xem
Tổ yến được các chuyên gia công nhận là loại thực phẩm bổ dưỡng, có ích sức khỏe của con người. Tổ yến được chia làm hai loại là yến nhà nuôi và yến khai thác trong tự nhiên.
Yến khai thác trong tự nhiên thường có mức giá cao hơn yến nuôi, không chỉ vì giá trị dinh dưỡng mà do quá trình khai thác tổ yến trong tự nhiên cũng tiềm ẩn những nguy hiểm chết người.
Andrew Newey, một nhiếp ảnh gia đến từ Anh đã thực hiện một bộ ảnh ghi lại quá trình khai thác tổ yến của người Ida’an trong các hang động núi Madai ở bang Sabah, phía đông Malaysia; giúp mọi người có cái nhìn cận cảnh về quá trình lấy yến cũng như biết được những nguy hiểm chết người mà những người thợ lấy yến phải đối mặt hàng ngày.
Trong một năm có 3 thời điểm để khai thác tổ yến là xuân, hè và mùa thu. Đây là những mốc thời gian mà chim yến sẽ xây tổ mới để chuẩn bị cho mùa sinh sản.
Loài yến thường mất khoảng một tháng (30 đến 35 ngày) để xây tổ mới. Công việc lấy yến thường được thực hiện vào ban ngày khi mà chim yến đã bay đi kiếm ăn.
Khi những chiếc tổ yến được khai thác thì chim yến sẽ xây thêm tổ mới, đến tổ thứ 3 thì chúng sẽ dừng lại để sinh và nuôi con. Sau ba tháng là lúc chim non đã có thể tự bay đi để tìm thức ăn. Đây cũng là lúc những người Ida’an tiến hành khai thác yến.
Một chiếc mũ bảo hiểm, dây thừng, thang trèo được làm thủ công từ các nguyên liệu tre, nứa và đèn pin là những vật dụng được sử dụng trong quá trình lấy yến.
Những người lấy yến sẽ trèo lên lên phía bên ngoài những hang động hay vách đá, sau đó thả dây thừng xuống thông qua các lỗ hổng trên nóc hang động. Những chiếc thang được bắt lên các vách đá dựng đứng trong hang. Người lấy yến đứng lên thang (dựa lưng vào vòng) để lấy yến.
Do yến thường làm tổ sâu trong các hang động hay vách đá dựng đứng, ánh sáng mặt trời không thể chiếu tới, nên những người lấy yến phải sử dụng đèn pin.
Trong ánh sáng le lói họ phải kiểm tra xem tổ yến đã đủ tiêu chuẩn khai thác chưa, nếu không đạt yêu cầu sẽ không bán được. Quá trình khai thác cũng phải đảm bảo hoàn thành trước khi chim yến quay trở lại, tránh ánh hưởng đến tập tục sinh sống của chúng.
Quá trình khai thác tổ yến vô cùng nguy hiểm khi những người này phải treo mình trên những vách đá cao đến 150m, mà không sử dụng một thiết bị công nghệ hay máy móc hiện đại nào.
Không ít người đã nằm lại nơi hang động, vách đá tối tăm. Mặc dù nguy hiểm là thế, nhưng những người khai thác yến lại không phải là người có thu nhập cao.
Tổ yến mà họ thu khai thác được được làm sạch rồi bán cho các thương lái Trung Quốc với giá khá rẻ.