166 lượt xem
Tổ yến sào thường được sử dụng trong các món canh yến sào (thường gọi là súp yến). Các món canh yến sào được thực hiện bằng cách ngâm và chưng cách thủy tổ yến sào trong nước, tổ yến được cho là có nhiều chất dinh dưỡng bồi bổ cơ thể và có giá thành cao và được quan tâm rất nhiều vì giá trị kinh tế.
Con là một Phật tử trường chay. Con được nghe quý thầy giảng mình không nên dùng những thứ thực phẩm từ động vật, kể cả trứng gà và sữa bò. Tuy nhiên, con không biết là người xuất gia tu hành có được ăn tổ yến sào không?
Con thấy hiện nay ở Việt Nam, người ta xem tổ yến sào như thần dược nhưng giá lại rất mắc. Con thấy rất nhiều Phật tử cúng dường yến sào đến cho các chùa và bảo rằng để quý thầy bồi dưỡng hoặc khi bệnh.
Tuy nhiên, nhìn trên mạng con thấy việc khai thác yến ở đảo hoang rất tội nghiệp, người ta có thể chết bất cứ lúc nào vì việc lấy tổ yến trên các hang đá cheo leo.
Với lại tổ yến là từ nước bọt con yến tiết ra để làm tổ trong mùa sinh sản, một số còn tiết ra máu để hòa vào tổ nuôi con thì việc lấy tổ của chúng đi thật tàn nhẫn.
Thêm vào đó, con đọc tài liệu thấy cũng chưa có chứng minh nào tổ yến là vô cùng tốt nhưng số tiền phải mua yến lại quá cao, được xem như vàng trắng mà chỉ có giới nhà giàu mới có thể ăn được.
Có người lý giải đó chỉ là nhu cầu dùng chữa bệnh thôi, giờ người ta nuôi yến trong nhà phần nhiều nhưng con thấy không bình thường vì người xuất gia tu xả phú cầu bận, mọi thứ đã bỏ, lại dùng một sản phẩm từ động vật quá xa xỉ, nhưng ở các nước phương tây có ai quan tâm đến tổ yến đâu?
Nếu với số tiền mua tổ yến đó có thể dùng làm rất nhiều chuyện phước đức từ thiện. Nếu ở chùa còn dùng tổ yến sào thì ý nghĩa của sự thanh bần giản dị ở đâu?
Xin Sư cho con sám hối nếu có gì không đúng và xin Sư hoan hỷ khai tâm giúp con trong vấn đề này. Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.
Trước khi trả lời người tu Phật có thể dùng yến sào được hay không? Chúng ta thử tìm hiểu về nguồn gốc của yến sào.
Các món canh yến sào được thực hiện bằng cách ngâm và chưng cách thủy tổ yến sào trong nước, tổ yến được cho là có nhiều chất dinh dưỡng bồi bổ cơ thể và có giá thành cao và được quan tâm rất nhiều vì giá trị kinh tế.
Mùa khai thác yến sào vào tháng 5 dương lịch cho lần thứ nhất, tháng 8 cho lần thứ hai khi chim yến làm lại tổ, đã sinh nở và én con đã bay được để tránh tổn hại đàn yến. Vào mùa khai thác, cũng là mùa làm giàn giáo, vì không có giàn giáo thì không cách nào khai thác được yến sào.
Các cây tre già được ngâm thành bè ở nước biển sẽ được dựng vào hang tùy theo địa thế. Nhìn từ ngoài vào hang giống như giàn giáo xây dựng, đó là các hang trống, rộng và nhiều tổ yến.
Các hang nhỏ đôi khi chỉ cần một hoặc vài cây tre có nhánh để có thể khai thác tổ yến, leo lên đó đi vào gọi là “đi cội”. Thật ra thì chỉ nhìn vào hang yến rất mù tối với mùi hăng hắc của phân chim trộn với mùi nước biển là đã có cảm giác e ngại, nhưng đối với những người khai thác thì họ quá quen rồi.
Dụng cụ khai thác yến sào rất đơn giản, mọi người chỉ mặc trên người một chiếc quần ngắn, đeo dây an toàn, một túi để đựng tổ yến, một bình xịt nước một cây đèn pin và một cái nạy đặc biệt để lấy tổ yến ra khỏi vách đá.
Theo Sư thì xưa nay người tu Phật ít hoặc không nghe nói đến việc chư Tăng Ni sử dụng yến sào ở trong chốn thiền môn.
Thường thì việc sử dụng yến sào được phổ biến trong cung đình, các vương, hầu, khanh, tướng, gia đình giàu có mới có dủ yếu tố vật chất tiền bạc sử dụng yến sào.
Bản thân tu sĩ như Sư trên nửa thế kỷ mới được biết yến sào từ năm 2002 đến nay đó và nếu có người cúng dường vẫn không sử dụng vì nghĩ bản thân là tu sĩ chẳng có gì phải bồi dưỡng, mình có tiêu hao năng lượng đâu mà bồi dưỡng.
Như chúng ta đã biết về cách làm tổ của yến, việc sanh nở của yến và kỹ thuật lấy yến sào là một công trình lao động của con người, của loài vật và của thiên nhiên.
Trong đó không có hành động sát sanh, không phải là giới trọng của người xuất gia cũng như tại gia, giới luật không cấm dùng yến sào.
Tuy nhiên người tu sĩ không dùng, vì dùng là phạm giới khinh, ác tác, hành vi ác, nhấn chìm công sức lao động nước miếng và máu của yến, quá xa xỉ công sức lao động bên bờ vực sống chết của con người.
Trừ những tu sĩ mắc bệnh kinh niên, sau khi mổ quá suy nhược, tu sĩ già yếu… Nhìn chung, yến sào xuất phát từ lao động của con người và động vật.
Đối với những tu sĩ mà ăn uống thực phẩm yến sào là tiêu phí tài sản đàn na, mất phẩm chất “thanh bần lạc đạo” của tu sĩ.