438 lượt xem
Vào rừng, ngoài ngắm cảnh đẹp, cây to, thác lớn, thú dữ, thì thứ thú vị, cuốn hút nhất phải là những loài thảo dược. Mỗi vùng đất, mỗi dải núi, mỗi bình độ, lại có những loài thảo dược riêng, rất đặc hữu và giá trị. Tuy nhiên, thảo dược tự nhiên quý hiếm có giá trị cao gần như ít được sử dụng.
Thời điểm 2005, tôi có nhiều ngày ăn ngủ leo núi, xuyên rừng với ông Trần Ngọc Lâm, được gọi là “người rừng”, vì ông sống ở trong một hang đá, trên độ cao 2.800m. Ông Lâm ở trên đó, thu hái thảo dược, trồng thảo dược quý để tự chữa bệnh cho mình.
Những ngày đó, tôi gặp rất nhiều người Mông đi rừng nhổ một loại cỏ nhỏ xíu, lá phát màu óng ánh. Khi đó, vàng chỉ có giá độ 1 triệu/chỉ, nhưng một kg cỏ này có lúc cao điểm lên tới 5 triệu đồng/kg tươi, dính cả rễ, đất. Có lúc giá xuống thấp, thì cũng vẫn bằng một chỉ vàng.
Giá trị khủng khiếp như thế, nên người Mông bỏ hết ruộng vườn, vào rừng săn lùng thứ cỏ ấy. Họ gọi là cỏ nhung, vì cái lá của nó mềm mượt như nhung.
Một số nơi gọi là lan kim tuyến, vì nó thuộc họ lan, gân mặt trên lá phát ra màu óng ánh khi soi đèn vào ban đêm. Chính vì thế, dùng đèn pin luồn rừng ban đêm dễ tìm hơn. Cũng có nơi gọi là cỏ kim cương, vì nó phát sáng và quý như kim cương.
Trong Tây Nguyên, có những thời điểm học sinh bỏ học, trường lớp vắng tanh, để vào rừng nhổ cỏ nhung. Khi người dân ở những vùng có núi cao trên 1.200m, bỏ hết vào rừng săn lùng cỏ nhung, thì báo chí đưa tin nhiều, song tuyệt nhiên vẫn không nhà khoa học nào biết nó là thứ gì.
Thực ra, cho đến bây giờ, các nhà nghiên cứu Việt Nam vẫn chưa biết giá trị thực sự của nó là gì, khi nó đã rất đắt. Còn, người dân thì ngâm rượu uống, hoặc mua về dùng với lời đồn giải độc, chữa ung thư, đặc biệt những người ung thư phổi săn lùng sử dụng rất nhiều, chẳng biết do nguồn tin nào xui khiến.
Trong một lần sang Trung Quốc, đến Tập đoàn dược Đông Nam, chuyên sản xuất thuốc đông y, thuộc TP. Phúc Kiến, khi vào căn phòng trưng bày các loại thảo dược quý, thì tôi ngỡ ngàng khi thấy trưng bày vật phẩm và hình ảnh trang trại trồng lan kim tuyến rất nhiều.
Trao đổi với ông Hoàng Quyền Thành (Phó TGĐ Tập đoàn dược Đông Nam), thì mới biết tổ tiên ông ta dùng nhiều đời để chữa viêm gan, vàng da. Nó đặc biệt hiệu quả khi điều trị cho trẻ nhỏ. Sách dược chép rằng, người Trung Quốc đã dùng loại thảo dược này trên 1 vạn năm rồi.
Ông cũng cảnh báo dùng có giới hạn, vì nó có độc tố hại cho thận. Ông Trần Ngọc Lâm, người dùng lan kim tuyến theo cách của người Trung Quốc, thì quả quyết: “Tất cả những dược liệu điều trị bệnh về gan đều không có độc tố. Nếu có độc tố thì không thể điều trị gan được”.
Điều đáng nói, là ông Hoàng Quyền Thành cho biết, giá trị của lan kim tuyến lúc lên lúc xuống, nhưng trung bình khoảng 30 triệu đồng/kg khô. Tập đoàn của ông, cũng như nhiều tập đoàn khác, đã trồng được nhiều, xây dựng những trang trại khổng lồ để trồng loại cỏ này.
Những củ “khoai lang núi” nhìn loằng ngoằng như con rết, không có gì đẹp đẽ. Đi vài ngày trong rừng, họ lấy được đầy gùi, cõng ật ưỡng xuống núi. Một anh người Mông bảo: “Có thằng Tàu sang, mang cái củ này bảo bên Tàu đói quá, nhờ vào rừng tìm cho củ khoai loại như con rết này để về ăn, thế là tao đi nhổ thôi. Cả bản đi nhổ, ngày có khi được cả tấn”.
“Người rừng” Trần Ngọc Lâm cười bảo: “Toàn là sâm quý đấy. Người Tàu sợ gọi là sâm thì dân đòi giá cao, nên cứ gọi là khoai núi, thì mua được giá rẻ”. Khi đó, loại “khoai lang núi” này có giá chỉ 200 ngàn đồng/kg. Sau tiếp xúc với một số đầu mối buôn dược liệu, mới biết đó là sâm tiết trúc, sâm đốt trúc, dân gian gọi là tam thất hoang.
Người Trung Quốc bảo rằng, có nhiều loại sâm tiết trúc, nhưng giá trị không chênh nhau nhiều. Từ loại tiết trúc mọc ở dãy Hoàng Liên Sơn, đến Lào, tận núi Ngọc Linh, giá trị không khác nhau mấy và người Trung Quốc thu mua theo giá chung. Có những thời điểm giá lên cao, cũng là do Trung Quốc gom giống, có thời điểm xuống thấp, là nhu cầu nội địa họ đáp ứng được.
Càng đi rừng nhiều, tìm hiểu nhiều, tôi nhận thấy sâm tiết trúc là loại thảo dược cực kỳ giá trị. Tiếc rằng, chúng đã bị nhổ gần như sạch bách bán sang Trung Quốc. Và, sang Trung Quốc, mới thấy những trang trại trồng sâm tiết trúc trải dài hết dãy núi này đến dải núi khác, mênh mông bát ngát bằng cả miền Bắc Việt Nam, cung cấp cho cả thế giới sử dụng.
Trong dòng sâm tiết trúc, hiện tại, đắt nhất là loại mọc ở núi Ngọc Linh, gọi là sâm Ngọc Linh, ở địa phận Quảng Nam và Kon Tum. Tên thực tế được định danh khoa học là Sâm Việt Nam. Loại tự nhiên, quý ngang nhau là mọc ở bên Lào, cũng thuộc dải núi Ngọc Linh, bởi nó cùng địa hình, địa chất, khí hậu.
Tuy nhiên, tôi đã thử nghiên cứu, kiểm định chất lượng, thì nhận thấy, một loại sâm tiết trúc ruột đen ở dãy Hoàng Liên Sơn thuộc địa phận Lai Châu có hàm lượng Saponin tổng hợp loài sâm cao gấp đôi ở núi Ngọc Linh.
Chính vì thế, trên thị trường nhiều năm qua, loại sâm ở Lai Châu thường được đem vào Ngọc Linh để bán với thương hiệu sâm Ngọc Linh. Hiện tại, loại sâm này có giá trung bình khoảng 100 triệu/kg. Loại củ hoang dã, củ lớn, rất khó định giá, thậm chí đến cả tỷ đồng/củ độ 7 – 8 lạng.
Loại sâm tiết trúc có giá trị thứ 2, là loại mọc ở một quả núi giữa huyện Na Hang và Lâm Bình (Tuyên Quang). Suốt mấy năm qua, rộ lên chuyện người dân ở hai huyện này vào rừng lần tìm, nhổ sạch sẽ không còn một mống sâm tiết trúc nào. Giá bán ngang ngửa sâm Ngọc Linh, loại nhỏ 40 – 50 triệu, loại củ to cả trăm triệu/kg.
Tò mò với chuyện sâm xuất hiện ở Tuyên Quang, tôi lên xã Sinh Long tìm hiểu, thì biết, mấy chục năm trước, có mấy bản người Dao sống ở trong rừng già, mang giống sâm từ Trung Quốc về trồng làm thuốc.
Họ trồng trong vườn, trên nương, trong rừng, bất cứ chỗ nào gieo trồng được là rải hạt, để nó tự mọc, tự sinh. Thế rồi, khoảng 30 năm trước, Nhà nước có chính sách hạ sơn, vừa bảo vệ rừng già, vừa tạo điều kiện sống tốt hơn cho những bản người Dao này. Ruộng nương bỏ hoang, những cụm sâm tiết trúc cứ tự ra hoa, kết trái, tự sinh trưởng. Thi thoảng, họ lại đi bộ cả ngày về bản, nhổ vài kg, đem xuống chợ bán với giá vài trăm ngàn/kg.
Đùng một cái, con buôn phát hiện đó là sâm quý, thổi lên là sâm Ngọc Linh, bán giá vài chục triệu đồng. Thế là toàn dân trong vùng vào rừng, bới đất, lật lá tìm sâm, nhổ sạch bách không còn một mầm mống nào nữa. Loại sâm quý ở Tuyên Quang chính thức tuyệt chủng.
Những ngày này, từ giữa năm 2019, lại rộ lên những thông tin hàng trăm người Mông kéo nhau vào các khu rừng ở Lâm Đồng, Đăk Lắk để khai thác một loại sâm tiết trúc mới phát hiện. Mỗi ngày, cả tạ, thậm chí cả tấn sâm được đưa ra khỏi rừng.
Đây cũng là một loại sâm tiết trúc có giá trị, khá giống với loại sâm ở Tuyên Quang, nhưng không phải Sâm Việt Nam, loại có ở Ngọc Linh và Lào Cai, tuy nhiên, vì chưa có nghiên cứu cụ thể về nó, nên con buôn đang giả mạo sâm Ngọc Linh để bán với giá cắt cổ, vài chục triệu đồng/kg. Chắc chắn một điều, khi loại sâm này chưa được nghiên cứu gì, thì đã bị nhổ sạch.
Dải Tây Côn Lĩnh cũng có một dòng sâm tiết trúc khá tốt. Thân chúng nhỏ như cái đũa, ruột tím pha trắng, pha vàng nhạt, ăn giòn sần sật, rất bổ dưỡng. Tuy nhiên, dãy núi khá nhỏ, lại nằm ngay Trung Quốc, nên nó nhanh chóng tuyệt chủng.
Giờ đây, khoảng chục dòng sâm tiết trúc, đa dạng nhất là quanh dãy Hoàng Liên Sơn, đã bị nhổ gần như sạch sẽ. Giờ là lúc người Việt nhận ra giá trị của nó, thì cũng là lúc nó đã sạch bóng rừng già. Giá sâm giờ cao hơn Trung Quốc rất nhiều, nên có lẽ tới 90% sâm tiết trúc (tam thất hoang) có mặt ở thị trường Việt Nam là của Trung Quốc.
Người Trung Quốc trồng sâm rất giỏi, kỹ thuật canh tác đã trải 500 năm, nên sâm lớn rất nhanh, giá trị không thể so sánh với loại mọc hoang dã trong rừng Việt Nam.
Ngay cả sâm tiết trúc dòng Ngọc Linh (Sâm Việt Nam), người dân ở các châu như Kim Bình, Hồng Hà, Vân Sơn, thuộc tỉnh Vân Nam cũng đã trồng rất nhiều và bán tràn lan ở Việt Nam với giá rất cao. Có thể nói, 90% sâm Ngọc Linh bán ở Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, vào Việt Nam qua các cửa khẩu tiểu ngạch ở Lai Châu.
Qua tìm hiểu, tôi được biết, các dòng sâm quý này, người Trung Quốc thu mua giống từ Lai Châu, rồi nhân giống, gieo trồng. Chúng có đủ các đặc tính, hoạt chất của sâm Ngọc Linh, nên làm giả sâm Ngọc Linh hoàn hảo. Nói là làm giả sâm Ngọc Linh, nhưng nó chỉ không được trồng ở núi Ngọc Linh, chứ rõ ràng nó là sâm tiết trúc dòng Ngọc Linh.
Thậm chí, một số nhà nghiên cứu ở Viện Dược Liệu còn ngỡ ngàng, khi hàm lượng saponin chính MR2 của loại sâm Lai Châu trồng ở Trung Quốc lại cao bất thường. Nhiều khả năng, trình độ cách tác, chăm bón của họ là siêu đẳng.
Viết đến đây, lại thêm đáng tiếc, là bởi, đây là loại dược liệu rất quý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gọi là “Quốc bảo Việt Nam”, nhưng chúng ta lại đang tự làm giảm giá trị của nó bởi gọi tên theo chỉ dẫn địa lý. Hồi dược sĩ Đào Kim Long tìm ra sâm trên núi Ngọc Linh, ông đã hét lên sung sướng, bởi đã tìm thấy loài sâm có ở Lào Cai.
Tức là, ý ông, đã tìm thấy cây sâm Lào Cai ở núi Ngọc Linh. Thế hệ những người già ở Ngọc Linh, vẫn gọi chúng là sâm đốt trúc, sâm tiết trúc. Tên khoa học của nó là Sâm Việt Nam. Cái tên Sâm Việt Nam vừa rộng, vừa thể hiện được thương hiệu quốc gia, lẽ ra phải nên dùng rộng rãi.
Giống như cùng là nhân sâm, nhưng nó có tên sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc, mới thể hiện được giá trị. Việc gọi là sâm Ngọc Linh, là tự giới hạn thị trường cho loại sâm quý này.
Tuy nhiên, việc trồng sâm rất khó khăn. Người dân trong đó khá khép kín, không thích người lạ xâm nhập. Họ sợ mất mát, lộ vị trí vườn sâm. Cây sâm có giá trị rất cao, nhưng kỹ thuật canh tác thủ công rất kém, nên sản lượng rất thấp. Ngoài ra, người trồng sâm chịu đủ các loại rủi ro.
Thiệt hại nhiều nhất là do chuột. Có những gia đình bị chuột ăn sạch vườn sâm. Thiệt hại lớn thứ hai, là bị trộm cắp. Sâm trồng giữa rừng, thời gian thu hoạch quá lâu, không thể trông nom quanh năm suốt tháng được, nên sểnh ra là mất.
Đồng bào phải cấm rừng, cắm chông, giăng bẫy để bảo vệ vườn sâm, nên khách lạ chẳng khác gì kẻ thù. Cũng vì những lý do đó, mà việc đầu tư phát triển trồng sâm là cực kỳ khó khăn và rủi ro.