1145 lượt xem
Do nhu cầu sử dụng nấm linh chi của người dùng ngày càng cao. Vì thế, ngày nay nhiều cá nhân, hộ gia đình đã triển khai mô hình trồng nấm linh chi để bán. Để trồng được nấm linh chi mang đến năng suất cao thì cần học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng của rất nhiều người. Vì mỗi loại nấm linh chi sẽ có cách thức, phương pháp nuôi trồng khác nhau. Hôm nay, Sâm Yến Linh Chi xin chia sẻ cách trồng nấm linh chi trên khúc gỗ đơn giản, mang lại hiệu quả cao.
Thay vì sử dụng mùn cưa hoặc các phế phẩm nông nghiệp để làm nguyên liệu trồng nấm linh chi theo cách truyền thống, nhiều nơi đã nghiên cứu và ứng dụng thành công giải pháp sử dụng khúc gỗ, tận dụng khai thác từ rừng trồng để nâng cao hiệu quả nuôi trồng nấm linh chi.
Nếu trồng nấm linh chi theo cách truyền thống sử dụng mùn cưa hoặc các phụ phẩm nông nghiệp thì cây nấm không được to, vị đắng của nấm cũng không cao.
Đặc biệt ở các khu vực miền núi lại khó kiếm mùn cưa theo đúng yêu cầu. Chính vì vậy nhiều nơi ở địa phương đã nghiên cứu và thử nghiệm giải pháp trồng nấm linh chi sử dụng khúc gỗ thay vì mùn cưa, phế phẩm nông nghiệp như trước.
Khi trồng nấm trên khúc gỗ, cây nấm sẽ to hơn, vị đắng của nấm thành phẩm cũng cao hơn làm tăng giá trị của nấm thương phẩm. Giải pháp lại này lại tận dụng được nguồn khúc gỗ thừa và rất sẵn ở các khu vực miền núi.
Được biết, Trung tâm nuôi trồng và nghiên cứu đã ứng dụng thành công trên các loại gỗ không có tinh dầu, gỗ mềm, các cây thuốc thuộc họ thân thảo và đang nghiên cứu trồng nấm linh chi trên gỗ lim.
Giải pháp nuôi trồng này đã được ứng dụng trong thực tế tại các khu vực miền núi trên địa bàn các tỉnh gần một năm nay và được người trồng nấm đánh giá cao.
Một trong những nguyên tắc quan trọng là phải làm sao cho cây nấm càng gần thực tế càng tốt chứ không quá nhân tạo. Ở Nhật người ta dùng loại gỗ sồi (oak) tên là Kashi và Kunugi còn ở Việt Nam thì dùng cây cao su.
Người Nhật đã tìm ra một phương pháp tương đối hoàn hảo, gọi là phương pháp MIKEI, là phương pháp trồng Linh Chi đỏ thông dụng nhất.
Phương pháp này do gia đình họ Mayasumi, một gia đình đã có quá trình chuyên về trồng nấm trong hơn một trăm năm qua, thực hiện.
Người ta tháp một mảnh Linh Chi vào cây gỗ, sau đó đem cả khúc gỗ vào trong nhà kính, được kiểm soát tinh vi bằng máy móc để giữ cho mọi điều kiện nảy mầm luôn luôn tối hảo.
Thời gian ủ nấm qua mùa đông là 6 tháng và thời gian để hình thành và tăng trưởng quả thể là khoảng 6 tháng, chu kỳ sản xuất là từ 11 – 12 tháng.
Giải pháp trồng nấm linh chi được sử dụng gỗ có đường kính cây từ 15 – 20cm được xử lý thanh trùng để đảm bảo gỗ khúc trước khi đưa vào trồng hoàn toàn sạch bệnh. Sau đó, nấm giống được cấy vào giữa thân bằng khoan hoặc chẻ ra làm đôi.
Toàn bộ những thân cây đã được cấy giống được ủ trong những phòng bảo ôn qua mùa đông từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, lúc đó hệ sợi nấm đã lan đầy các khúc gỗ.
Các khúc gỗ được đưa vào những nhà trồng nấm được phủ những màn nhựa hoặc đặt trên mặt đất và được phủ một lớp đất trên bề mặt có thể rải lên một lớp phân hữu cơ mỏng, đảm bảo độ ẩm luôn luôn được giữ vào khoảng 85 – 90%.
Sau một thời gian mầm nấm mọc lên từ thân gỗ dưới đất tạo thành cuống nấm và tăng trưởng ngang tạo quả thể, quả thể (tai nấm) tăng trưởng ngày càng to đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 thì thu hoạch. Tai nấm lớn trọng lượng khô mỗi tai có thể từ 200 – 400gram.
Ở Nấm Linh Chi hình thành 2 giai đoạn đó là tăng trưởng và phát triển, thích hợp với điều kiện như sau:
Giai đoạn tăng trưởng:
Là giai đoạn dài nhất, nấm thường ở dạng sợi. Gồm 2 nhân, có nguồn gốc từ 2 bào tử khác nhau và phối hợp lại được gọi là hệ sợi dinh dưỡng.
Giai đoạn này khá quan trọng, lúc này tại nhà ươm nấm phải đảm bảo độ sạch sẽ, thoáng mát, có độ ẩm từ 70 – 80%, ánh sáng yếu.
Nhiệt độ thích hợp lúc này nên chú ý theo giai đoạn:
Giai đoạn phát triển thành tai nấm:
Là giai đoạn thường ngắn, sợi nấm đan vào nhau hình thành 1 dạng đặc biệt gọi là quả thể nấm hay tai nấm. Khi tai nấm trưởng thành, Bào Tử được phóng thích, nảy mầm và chu trình lại tiếp tục.
Tóm lại, nấm sẽ hình thành theo chu trình sơ đồ dưới đây:
Phôi cấy meo nấm – nảy mầm – kéo tơ – nhú cuống ra ngoài – bung tai nấm – trưởng thành đổi màu – phát tán Bào Tử.
Sau thời gian 20 – 25 ngày lắp gỗ vào trại ủ, chúng ta sẽ bắt đầu kiểm tra xem sợi nấm đã ăn phủ toàn bộ bề mặt thân gỗ chưa, thường lúc này là đã phủ hết rồi.
Thời gian ươm sợi kế tiếp từ 40 – 45 ngày. Nếu phôi nào kiểm tra bị hỏng thì nên loại bỏ ngay khỏi nhà nấm ngay, không nên tiếc tránh làm ảnh hưởng toàn bộ.
Nhiệt độ thích hợp cho sợi nấm mọc và phát triển là từ 25 – 28oC. Khi sợi nấm bắt đầu xuất hiện “mũ nấm” trên thân gỗ có màu trắng hồng và lớn dần lên hình quả trứng.
Giai đoạn này khi chăm sóc nấm Linh Chi cũng cần phải thận trọng về nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng. Theo dõi hàng ngày, tưới nước đầy đủ bằng cách phun sương lên các thân gỗ nằm dưới mặt đất.
Mọi loại thực vật đều có một cao điểm để thu hoạch, là thời kỳ tập trung cao độ mọi năng lực, theo lý luận Ðông phương là đầy đủ tinh khí thần.
Thời kỳ này là thời kỳ thu hoạch thích hợp nhất, và cũng chính là lợi điểm của việc trồng Linh Chi vì người ta có thể tính toán được thời khắc. Chỉ có những cây nấm tốt nhất, hình trái thận mới được thu hoạch.
Ngày Bào Tử Nấm Linh Chi chuẩn bị phát tán cho đợt sinh sản, phần màu đỏ bên trong sẽ đổi sang màu nâu, lúc này Nấm Linh Chi đang trưởng thành. Tuy nhiên vẫn chưa phải là lúc để thu hoạch vì chúng còn phát triển thêm.
Khi phần viền trắng ngoài của tai nấm cũng đổi sang màu nâu cùng phần giữa thì lúc này mới chuẩn bị bước vào giai đoạn cần thu hoạch, lúc này tạm gọi giai đoạn trung niên của Nấm Linh Chi.
Có đôi lúc bạn thấy nó đã đổi màu luôn cả phần màu trắng hết như nấm trung niên, nhưng sau đó lại tiếp tục nhô thêm phần màu trắng cho thấy chúng còn muốn phát triển to thêm nữa. Cần quan sát rõ ở giai đoạn này.
Trước khi tới giai đoạn trung niên để thu Bào Tử Nấm Linh Chi thì sẽ có một đợt vệ sinh tưới nước để làm sạch cũng như đảm bảo không có bụi.
Chúng ta chỉ nên thu hoạch Bào Tử với một số lượng nhất định, thường 100kg tai nấm thu khoảng 1 – 2kg Bào Tử. Tỉ lệ này sẽ đảm bảo được chất lượng tốt nhất cho lượng Bào Tử còn trên Tai Nấm Linh Chi.
Với một số doanh nghiệp lớn, sản lượng cao thường sẽ sử dụng “máy hút” đặt trên cao để khi Nấm Linh Chi phát tán Bào Tử sẽ thu hoạch hoàn toàn.
Một số doanh nghiệp thì sử dụng túi trùm trên tai nấm để trùm cả tai Nấm Linh Chi lại và thu tất cả Bào Tử bay ra vào một nơi và không bị bay ra ngoài. Tuy nhiên với quy trình này có thể làm cho tai Nấm Linh Chi bị hầm và gây biến dị.
Với quy trình đơn giản mà hiệu quả nhất đó là nhân công sẽ phải sử dụng trang phục và công cụ chuyên dụng. Quanh trang trại trồng nấm sẽ được phủ một lớp nilong cao cấp tiêu chuẩn sạch nhập trực tiếp từ Israel (đã được trải qua 1 quy trình khử trùng hoàn toàn).
Lớp này sẽ bọc ở chung quanh nhà nấm như: trần nhà, sàn, vách. Khi Bào Tử Nấm Linh Chi phát tán vào không khí sẽ được gói gọn trong lớp nilong này hoàn toàn sạch và không thể bay ra ngoài được.
Sau khi thu hoạch Bào Tử xong thì các tai nấm vẫn sẽ tiếp tục phát tán tiếp những đợt Bào Tử kế tiếp và liên tục không dừng cho đến khi thu hoạch tai nấm. Nên dù có thu hoạch một phần Bào Tử trên tai nấm thì khi tới đợt thu hoạch tai nấm vẫn sẽ có rất nhiều Bào Tử lại.
Đến khi những tai nấm đủ tuổi, có màu sậm thì chúng ta dùng dụng cụ để thu hái nấm linh chi tươi, thông thường 3kg nấm linh chi tươi sẽ thu được 1 kg nấm linh chi khô.
Nấm linh chi có khả năng chống lại bệnh tật cao hơn cả khi được dùng tươi, và đó là lợi ích mà người ta muốn khai thác. Vì thế, việc bào chế để Nấm linh chi giữ được công năng đó là một điều cần thiết.
Ðể cho nấm linh chi khỏi mối mọt, mục nát, nhà trồng phải sấy khô nhưng phương pháp sấy, lưu trữ và bảo trì phải được thực hiện đúng cách.
Phương pháp mới nhất là sấy nấm linh chi bằng nhiệt độ thấp (80oC) trong khoảng 3 – 4 giờ đồng hồ cho bốc hết hơi nước còn trong cây nấm.
Sau đó nấm được hút chân không và đóng hói hoặc xay thành bột hay ninh trong nước để thu hết được dưỡng chất. Nước cốt đó lại được đun sôi ít nhất ba lần và dùng phương pháp chân không làm thành viên, cao cô đặc hay đóng chai.