Bật mí phương thuốc bổ khí huyết, dưỡng tâm an thần từ nhân sâm

Nhân sâm (Panax Ginseng C.A. Mey) là loại thảo dược đầu bảng trong các loại thuốc Đông dược thuộc loại đại bổ nguyên khí. Rất giàu dược tính nhờ thành phần hóa học chứa trong thân rễ và củ chiếm 32 hợp chất soponin triterpen, trong đó có 30 chất là saponin dammaran, là thành phần hoạt chất có tác dụng sinh học chủ yếu của sâm…

Bật mí phương thuốc bổ khí huyết, dưỡng tâm an thần từ nhân sâm 1

1. Nhân sâm – Phương thuốc quý từ thiên nhiên

1.1 Đông y cho rằng nhân sâm có vị đắng, không độc

Có tác dụng kích thích nhẹ ở liều lượng thấp làm tăng vận động, tăng trí nhớ, nhưng tác dụng ức chế ở liều lượng cao đối với hệ thần kinh, làm tăng sinh lực chống lại sự mệt mỏi, giúp hồi phục sức lực.

Làm tăng sự thích nghi của cơ thể trước những bất lợi của điều kiện môi trường sống, tác dụng bảo vệ tế bào, giúp hồi phục số hồng cầu bạch cầu bị giảm; tác dụng tăng nội tiết tố sinh dục, kháng viêm, tác dụng điều hòa hoạt động của tim.

1.2 Tác dụng hạ cholesterol máu

Chống xơ vữa động mạch, tác dụng giải độc gan và tác dụng kháng khuẩn nhất là đối với Streptococcus gây bệnh viêm họng. Được dùng thân rễ và rễ củ có thể dùng làm thuốc bổ, tăng lực, chống suy nhược, hồi phục sức lực bị suy giảm, kích thích nội tiết sinh dục, tăng sức chịu đựng, giải độc và bảo vệ gan, điều hòa thần kinh trung ương.

Điều hòa tim mạch, chống xơ vữa động mạch, giảm đường huyết. Lại có thể dùng làm thuốc trị viêm họng. Ngoài ra, nhân sâm cũng được dùng trong cấp cứu, choáng trong các thời điểm cực nguy, có thể đổ nước sâm cho bệnh nhân uống để kéo dài sự sống.

2. Bật mí phương thuốc bổ khí huyết, dưỡng tâm an thần từ nhân sâm

“Nhân sâm dưỡng vinh thang” là bài thuốc cổ phương có nguồn gốc xuất xứ trong “Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương”. Đây là bài thuốc có tác dụng song bổ khí huyết, được ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh và bồi bổ sức khỏe.

Bài thuốc “Nhân sâm dưỡng vinh thang” là một trong những bài thuốc bổ có sử dụng vị thuốc quý Nhân sâm (có thể thay thế bằng Đảng sâm).

Bài thuốc này thường được dùng cho những người cơ thể suy nhược, người mới ốm dậy, mắc bệnh mạn tính, thiếu máu, ăn ngủ kém. Bài thuốc là tinh hoa từ nhiều vị thuốc bổ khí, bổ huyết, kiện tỳ, liễm âm, ninh tâm định chí… phối ngũ với nhau để tạo nên công dụng tuyệt vời của bài thuốc.

Khí huyết liên quan đến các tạng phủ như Can (chủ tàng huyết), Tâm (chủ huyết mạch), Tỳ (nguồn hóa sinh ra khí huyết), Phế (Phế chủ chư khí, khí là soái của huyết), Thận (Thận chủ nạp khí, Thận sinh tinh, tinh sinh huyết).

Các tạng phủ bị tổn thương làm ảnh hưởng đến sự sinh hóa, vận hành của khí huyết. Ngược lại, nếu khí huyết hư, không nuôi dưỡng các tạng phủ đầy đủ được sẽ làm công năng tạng phủ bị giảm sút. Vì vậy, dưỡng khí huyết cũng chính là dưỡng tạng phủ, khí huyết đầy đủ thì tạng phủ được kiện khang, cơ thể cường tráng.

Bật mí phương thuốc bổ khí huyết, dưỡng tâm an thần từ nhân sâm 2
Nguyên liệu của bài thuốc
2.1 Bài thuốc bao gồm các vị thuốc sau:

Nhân sâm 12gram; Đương quy 12gram; Bạch thược 12gram; Thục địa hoàng 16gram; Bạch Truật 12gram; Phục linh 12gram; Quế tâm 4gram; Sinh Hoàng kỳ 12gram; Trần bì 8gram; Viễn chí 4gram; Ngũ vị tử 4gram; Đại táo 12gram; Sinh khương 3 lát; Cam thảo 6gram. Sắc uống ngày 1 thang.

Tác dụng: Bổ khí huyết, dưỡng tâm an thần.

Chủ trị: Phế tỳ khí hư, tâm tỳ dương hư, khí huyết lưỡng hư: Mệt mỏi suy nhược, tứ chi vô lực, đoản hơi đoản khí, cốt tiết (xương khớp) đau nhức, ăn uống kém nhạt miệng vô vị, hồi hộp đánh trống ngực, đạo hãn (ra mồ hôi trộm), chân tay lạnh, hay quên (kiện vong), mất ngủ (thất miên), nôn mửa (ẩu thổ).

2.2 Đây là một bài thuốc “thập toàn đại bổ”

Nhân sâm, Phục Linh, Bạch truật, Cam thảo, Xuyên khung, Đương quy, Thục địa, Bạch thược, Hoàng kỳ, Nhục quế, bỏ vị thuốc Xuyên khung và gia thêm các vị Ngũ vị tử, Trần bì, Viễn chí, có sử dụng Đại táo, Sinh khương cùng thang để kích thích tỳ vị kiện vận tốt hơn.

Bài thuốc có sử dụng Nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí (Phế chủ khí, phế khí vượng thì khí cũng các tạng phủ khác cũng vượng, tinh huyết tự sinh mà hình thể tự vượng) trị các chứng phế tỳ khí hư (ích thổ sinh kim).

Cùng với Nhân sâm còn có các vị thuốc Phục linh (kiện tỳ thấm thấp), Bạch truật (Kiện tỳ táo thấp), Cam thảo (Kiện tỳ ích khí) đều có tác dụng bổ khí, ích tỳ vị, lợi thấp, táo thấp (thấp làm hại tỳ thổ, làm tỳ mất kiện vận, mất nguồn hóa sinh khí huyết).

2.3 Công dụng của các vị thuốc

Hoàng kỳ có tác dụng ích khí cố biểu, trong phương lại có Đương quy (bổ huyết) kết hợp cùng Hoàng kỳ có tác dụng sinh huyết (ích tỳ khí, làm mạnh nguồn hóa sinh ra khí huyết, từ cái vô hình sinh ra cái hữu hình, khí thuộc dương, huyết thuộc âm, bổ khí huyết ở đây hợp với cái lý dương sinh âm trưởng là vì vậy).

Thục địa là vị thuốc có tác dụng bổ âm, bổ huyết (thục địa bổ ích âm tinh mà sinh ra huyết). Trong bài sử dụng Ngũ vị tử, Bạch thược có tác dụng liễm âm mà dưỡng huyết.

Trần bì, Quế tâm có tác dụng ôn kinh, thông kinh lạc để khí huyết được vận hành thông sướng, đi tới lục phủ ngũ tạng, cơ nhục mà nuôi dưỡng toàn thân. Viễn chí (bỏ lõi) có tác dụng dưỡng tâm an tâm, ninh tâm định chí, các vị thuốc bổ khí huyết giúp khí huyết đầy đủ, tâm tỳ được nuôi dưỡng, ngũ tạng được dưỡng vinh. Toàn bài có tác dụng ích khí bổ huyết, dưỡng tâm an thần.

Bật mí phương thuốc bổ khí huyết, dưỡng tâm an thần từ nhân sâm 3
Bài thuốc có tác dụng bổ khí huyết, dưỡng tâm an thần

3. Nhân sâm, đại bổ nhưng không nên lạm dụng

Nhân sâm cũng giống như thuốc nên khi dùng phải có liều lượng và sử dụng đúng đối tượng, nếu lạm dụng, dùng không hợp lý có thể gây ngộ độc.

Hiện nay, có một số người dùng nhân sâm và chế phẩm của nó với liều quá cao, hoặc quá dài ngày, dẫn đến ngộ độc “nhân sâm”: tăng huyết áp, chảy máu mũi, thần kinh hưng phấn quá độ (gây ra phiền toái, không yên, mất ngủ, dễ bị kích thích, đau đầu, chóng mặt…), nổi mề đay, mẩn ngứa, thậm chí co giật…

Bởi kết quả thực nghiệm dược lý hiện đại cho biết, độc tính của nhân sâm tương đối thấp. Tuy nhiên, nếu không có bệnh mà lạm dụng, hoặc là dùng liều quá cao, thời gian sử dụng quá dài, vẫn có thể xuất hiện các phản ứng trúng độc.

3.1 Thận trọng kẻo ngộ độc nhân sâm

Khi bị ngộ độc nhân sâm, thường thấy những biểu hiện như: Mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, thần kinh hưng phấn liên tục, trạng thái khoái cảm, huyết áp tăng cao, thân thể phù thũng, ỉa chảy lúc sáng sớm, da mẩn đỏ, mũi chảy máu…

Người phương Tây gọi đó là “Hội chứng lạm dụng nhân sâm”. Khi này cần phải giải độc ngay, cụ thể đối với các phản ứng nhiễm độc nhân sâm, trường hợp nhẹ chỉ cần ngừng sử dụng là cơ thể sẽ dần dần hồi phục.

Trường hợp nặng phải đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu. Trường hợp ngộ độc nhẹ, có thể dùng củ cải hoặc hạt củ cải giã nát sắc uống, cũng mang lại hiệu quả nhất định.

Ngoài ra còn xảy ra các chứng như tự ra mồ hôi không ngừng (hàn thoát), chảy máu lớn (huyết thoát), khí thoát do huyết thoát (hôn mê sau băng huyết ở sản phụ), các chứng lao hư tổn, hư lâu không hồi phục dễ dẫn đến sốt kéo dài hoặc mụn nhọt khó liền miệng.

Thực tế cho thấy, không chỉ trẻ nhỏ, nếu người lớn uống rượu sâm nồng độ 3%, khoảng 100ml thì có cảm giác hưng phấn không yên, uống 200ml có biểu hiện trúng độc (mẩn đỏ toàn thân, ngứa, chóng mặt, đau đầu, thân nhiệt tăng, huyết áp hạ rõ rệt).

Đã có 1 trường hợp chết vì uống 500ml. Trẻ đang bú mẹ uống nước sắc 0,03 – 0,06g sâm Cao Ly có thể có biểu hiện quấy khóc, phiền táo, u uất, mặt bệch rồi tím tái, cơ mày giật, thở gấp, tim đập chậm, tiếng tim mờ, nôn.

Bật mí phương thuốc bổ khí huyết, dưỡng tâm an thần từ nhân sâm 4
Nhân sâm tốt nhưng không nên lạm dụng
3.2 Người lớn uống liên tục mỗi ngày 0,3gram bột sâm củ có thể mất ngủ, trầm uất, giảm cân

Nếu dùng liều cao có thể làm đường huyết giảm rõ, lực bóp của cơ tim bị ức chế, huyết áp hạ rõ rệt. Nhiều khi ở người cao tuổi, đặc biệt là người bị xơ cứng động mạch và huyết áp cao, không nên dùng nhân sâm. Vì trong nhân sâm có chứa chất chống phân giải chất béo như aspartic axít, arginine…, làm tăng lượng mỡ ở các cơ quan, có hại cho những người huyết áp cao và xơ cứng động mạch. Do đó, cần thận trọng khi dùng nhân sâm.

Trong nhân sâm chứa hơn 15 yếu tố vi lượng, có tác dụng chống mỏi mệt, tăng sức đề kháng, thúc đẩy công năng của tuyến sinh dục nam và nữ, tăng khả năng ghi nhớ và năng lực phân tích… Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dùng được sâm. Sâm chỉ được chỉ định cho các bệnh nhân thuộc thể khí hư, vì sâm có công dụng đại bổ nguyên khí.

3.3 Đặc biệt lưu ý khi dùng nhân sâm với trẻ em

Sâm chỉ được sử dụng (thường là phối hợp) cho trẻ khi trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương, suy nhược cơ thể, sau ốm, thiếu máu… Còn đối với trẻ có thể chất khỏe mạnh, phát triển bình thường, không bị mắc các bệnh lý thuộc hư chứng thì nhất thiết không cần dùng thuốc bổ nói chung và nhân sâm nói riêng.

Nhất là những ngày hè nóng nực người ta thường nghĩ nhân sâm là thuốc quý, bổ và mát nên nhiều phụ huynh đã mua nước sâm, trà sâm cho con uống để mong tiêu tan rôm sảy, mụn nhọt hay bồi bổ để trẻ tăng cân. Thế nhưng, chính việc cho trẻ dùng sâm không mang lại kết quả như các bậc phụ huynh mong muốn mà còn gây hại cho trẻ.

Nếu tùy tiện dùng nhân sâm cho trẻ có thể làm kích thích quá trình phát dục khiến trẻ phát dục sớm, nhất là những bé trai ở độ tuổi từ 13 – 16 tuổi. Hơn nữa, nhân sâm còn khiến trẻ bị rối loạn đường tiêu hóa, thần kinh không bình thường, lâu dài dẫn đến mất ngủ và dễ bị kích động.