40 lượt xem
Trong “Trung thảo dược học” có viết nhân sâm bồi bổ nguyên khí, bố phế, tăng cường chức năng lá nách, ổn định tim. “kinh thần nông bổn thảo”, cho biết nhân sâm được dùng làm bài thuốc chính bồi bổ dương khí cho ngũ tạng tức lá gan, lá nách, thông khí dạ dày, trị chứng khát, nôn, chóng mặt, tăng cường tuần hoàn máu nếu sử dụng lâu dài cơ thể sẽ trở nên nhẹ nhõm, tăng tuổi thọ.
Nhân sâm là phần thuộc bộ phận rễ của cây nhân sâm, thu hoạch vào mùa xuân và mùa thu. Người ta cho rằng loại mọc hoang tốt hơn loại trồng.
Nhân sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, vào các kinh: tỳ, phế, tâm, có tác dụng đại bổ nguyên khí, phục mạch cố thoát, sinh tân, an thần, bổ tỳ ích phế.
Sách “Bản kinh” (Trung Quốc) còn ghi nhân sâm chủ bổ ngũ tạng, an thần kinh, chỉ kinh quý, trừ tà khí, minh mục, khai tâm tích trí.
Lá mọc vòng, có cuống dài, lá kép gồm nhiều lá chét mọc thành hình chân vịt. Nếu cây mới được một năm (nghĩa là sau khi gieo được 2 năm) thì cây chỉ có 1 lá với 3 lá chét, nếu cây nhân sâm được 2 năm cũng chỉ có 1 lá với 5 lá chét.
Cây nhân sâm 3 năm có 2 lá kép, cây nhân sâm 4 năm có 3 lá kép, cây nhân sâm 5 năm trở lên có 4 đến 5 lá kép, tất cả đều có 5 lá chét (đặc biệt có thể có 6 lá chét) hình trứng, mép lá chét có răng cưa sâu. Bắt đầu từ năm thứ ba trở đi, cây nhân sâm mới cho hoa, kết quả.
Hoa xuất hiện vào mùa hạ. Cụm hoa hình tán mọc ở đầu cành, hoa màu xanh nhạt, 5 cánh hoa, 5 nhị, bầu hạ 2 núm. Quả mọng hơi dẹt to bằng hạt đậu xanh, khi chín có màu đỏ, trong chứa 2 hạt. Hạt cây sâm năm thứ 3 chưa tốt. Thường người ta bấm bỏ đi đợi cây được 4 – 5 năm mới để ra quả và lấy hạt làm giống.
Trong y học cổ truyền, người ta phân biệt hai loại chính: Hồng sâm và bạch sâm.
Dùng ít nhất 37gram, rửa sạch đất từng củ một bằng bàn chải nhỏ, rửa ở dưới nước, để nguyên cả rễ, kể cả rễ nhỏ, rửa như vậy sẽ được củ sâm trắng ngà.
Cho vào nồi hấp ở áp lực hơi nước cao 2 atmotphe từ 1 giờ 20 phút – 1 giờ 30 phút. Nhiệt độ hấp 80 – 90oC. Sau đó sấy khô ở nhiệt độ 60 – 70oC (6 – 7 giờ) hoặc ở 50 – 60oC (8 – 10 giờ) nên sấy khô hết sức mau.
Sau khi sấy khô, dùng tay rứt các rễ con để riêng gọi là tu sâm, củ sâm còn lại giống như hình người (nếu không giống thì sửa cho giống) phơi ra nắng từ 7 – 15 ngày (tuỳ theo sâm to hay nhỏ) là được.
Sau đó chia hồng sâm thành hai cấp: Cấp trời (màu đẹp, dáng đều đặn, giống người), còn lại cấp đất. Cuối cùng đóng gói từng cân ta (600g) một hộp.
Những củ sâm không đủ tiêu chuẩn chế hồng sâm thì đem chế bạch sâm. Trước hết cắt bỏ rễ con, dùng dao tre cạo sạch vỏ mỏng, sau đó phơi nắng cho hơi khô, đem vào sửa thành hình người rồi lại phơi nắng cho khô hẳn.
Thời gian phơi cả trước lẫn sau hết chừng 7 – 15 ngày. Sau đó đóng gói như hồng sâm. Thường hồng sâm được đóng vào hòm gỗ, bạch sâm đóng vào hòm giấy.
Nhân sâm có vùng phân bố tự nhiên chủ yếu ở vùng núi thuộc Viễn Đông Liên bang Nga, phía bắc CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc.
Cây đã được trồng từ lâu đời ở bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc và Liên bang Nga. Những năm gần đây, cây còn được nhập trồng ở Nhật Bản, Hoa Kỳ và cả ở Việt Nam. Tuy nhiên qua nhiều lần trồng thử nghiệm, cho đến nay đều chưa thành công ở Việt Nam.
Cây ưa khí hậu ẩm mát về mùa xuân hè và chịu đựng tốt trong điều kiện nhiệt độ thấp, với 3 – 4 tháng có băng tuyết của mùa đông. Mặc dù vậy, lượng mưa ở những vùng có nhân sâm mọc tự nhiên cũng như vùng trồng thường thấp hơn nhiều (chỉ bằng 50%) so với ở vùng nhiệt đới.
Trong tự nhiên, cây mọc dưới tán rừng kín, lẫn trong tầng cỏ quyết. Chính vì vậy, người ta phải trồng nhân sâm trong điều kiện vườn có mái che tới trên 80%.
Để thích nghi với thời kỳ có nhiệt độ thấp trong năm, toàn bộ phần trên mặt đất của cây bị tàn lụi qua mùa đông. Chồi ngủ ở đầu rễ củ hình thành ngay từ giữa mùa hè, trong suốt mùa thu – đông tồn tại trong trạng thái “ngủ” và chỉ mọc lên khỏi mặt đất vào đầu mùa xuân năm sau.
Quả chín rơi xuống tầng thảm mục sẽ tồn tại qua mùa đông và nảy mầm vào mùa xuân năm sau. Hạt nhân sâm khô nhìn chung có khả năng nẩy mầm tương đối thấp. Do đó, người ta thường phải gieo hạt lúc còn tươi. Cây được trồng bằng hạt, thời gian gieo thường vào cuối tháng 10 – 11.
Nhân sâm thường được thu hoạch vào mùa thu (từ tháng 9 đến tháng 10) đào củ, chú ý tránh làm rễ bị đứt, không phơi gió, phơi nắng để giữ nguyên độ ẩm trong sâm. Sau đó chia loại sâm tốt để chế hồng sâm, loại kém để chế bạch sâm.
Nhân sâm là một vị thuốc bổ quý hiếm trong y học cổ truyền, làm tăng thể lực và trí lực, dùng trong trường hợp cơ thể suy yếu, kiệt sức, mệt mỏi và trong thời gian dưỡng bệnh.
Ngoài ra, dược điển một số nước có ghi nhân sâm dùng chữa bệnh tim mạch, tiểu đường, thần kinh suy nhược, dương ủy. Theo y lý cổ truyền, nhân sâm chủ trị: Thở khó, ho hen, tim đập hồi hộp, gây tràn dịch tổn thương, miệng khát, đái đường, suy nhược cơ thể, mất máu, dương ủy, lạnh cung, tỳ hư tiết tả.
Độc sâm thang (đơn thuốc có một vị nhân sâm) chữa cá thể quá suy nhược sau khi mất máu nhiều, thần kinh suy nhược: Nhân sâm 40g. Nước 400ml (2 bát) sắc còn 200ml (1 bát), cho uống từng ít một, không kể thời gian. Uống xong cần nằm yên.
Sâm phụ thang chữa những trường hợp mạch suy, kiệt, mồ hôi ra nhiều, chân tay lạnh: Nhân sâm 40g (có thể 20g), chế phụ tử 20g (có thể dùng l0g), sinh khương 3 nhát, táo đen 3 quả, nước 3 bát (600ml) sắc còn 200ml (1 bát) chia làm nhiều lần uống trong ngày.
Chữa tì vị khí hư, mặt nhợt nhạt, chân tay đau mỏi, không muốn ăn, nôn mửa (Tứ quân tử thang):
Nhân sâm 10g, bạch truật 9g, phục linh 9g, cảm thảo (trích) 6g. Tất cả tán thành bột. Mỗi lần dùng 6g sắc với 200ml nước, còn 150 ml, uống không kể thời gian.
Chữa bệnh tiểu đường (Ngọc hồ hoàn):
Nhân sâm, rễ qua lâu, 2 vị lượng bằng nhau. Nghiền thành bột mịn luyện với mật, làm thành hoàn to bằng hạt đậu, mỗi lần uống 20 hoàn với thang Mạch môn đông.
Chữa ợ chua, nôn ra nước trong, đau bụng, biếng ăn, ở phụ nữa có mang (Tiểu địa hoàng hoàn cục phương):
Nhân sâm (bỏ cuống), can khương, 2 vị lượng bằng nhau. Nghiền thành bột, dùng nước ép sinh địa tươi nhào bột, làm thành viên hoàn to bằng hạt đậu. Mỗi lần uống 30 – 50 hoàn với nước cháo gạo trước bữa ăn.
Chữa ngoại cảm phong hàn, phát sốt sợ rét, đau đầu ngạt mũi, ho nhiều đờm (Sâm tô ẩm):
Nhân sâm, tô diếp, cát căn, tiền hồ, bán hạ, phục linh mỗi vị 22,5g, trần bì, cam thảo, cát cánh, chỉ xác, mộc hương mỗi vị 15g tán nhỏ trộn đều: Mỗi lần dùng 12g, nước 150ml, gừng 7 lát, táo 1 quả. Sắc uống lúc còn nóng.
Chữa tâm khí bất định, ngũ tạng bất túc, hoảng hốt, ngủ hay mơ, hay nổi nóng, phát khùng:
Nhân sâm, bạch phục linh mỗi vị 90g, viên chí (bỏ tâm), xương bổ mỗi vị 60g. Nghiền thành bột, luyện với mật ong, làm thành hoàn to bằng hạt đậu, dùng chu sa làm vỏ bao. Mỗi lần dùng 7 hoàn, ăn với cơm nóng, xong nằm nghỉ. Ngày dùng 3 lần.
Ngoài những chỉ định đặc biệt (như dùng cho cấp cứu), liều thường dùng hàng ngày là 2 – 4g. Dùng dưới dạng lát cắt ngậm, nước sắc, rượu thuốc, cao hoặc hoàn tán.
Nhân sâm dùng phối hợp với phụ tử chữa vong dương hư thoát, khó thở, chóng mặt, ra mồ hôi nhiều; với đương quy chữa mất máu nhiều và đột ngột, khí đoản mạch vi; với long cốt chữa di tinh; với tỳ bà chữa ợ chua; với hoàng kỳ chữa âm hư triều nhiệt, ho, nôn ra máu.
Với ngũ vị tử chữa nguyên khí bất túc; với tam thất chữa hư lao, chảy máu, hãn huyết đục thoát; với thục địa chữa nhiệt bệnh, khí thương, tân quỵ ; với thạch cao chữa tiểu đường.