21 lượt xem
Dưới tác động phát triển kinh tế – xã hội, gia tăng dân số và hiện tượng bất thường tự nhiên, các nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý hiếm của nhân sâm đứng trước nguy cơ suy giảm và suy thoái nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, việc giữ gìn, phát triển nguồn dược liệu quý hiếm có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, mang đến lợi ích sức khỏe cho cộng đồng và giữ gìn vốn dược liệu quý hiếm cho mai sau.
Có vô số câu chuyện giữ gìn nhan sắc làm đẹp, từ vóc dáng đến tóc da, từ làn hơi tới nét mặt đã theo thời gian lưu truyền tới tận ngày nay. Nhắc tới nhân sâm, dân gian không chỉ lưu truyền tác dụng tuyệt vời gần như có thể “cải tử hoàn sinh”.
Người ta còn tỉnh táo nhắc nhau câu chuyện cười “đau bụng uống nhân sâm … tắc tử”, … để thấy rằng nhân sâm rất tốt, nhưng phải biết cách sử dụng nếu không có thể dẫn tới cái chết.
Và đương nhiên với những mỹ nữ quyền quý trong cung, nhân sâm ắt là một vị nhất thiết phải có trong kho y dược, mỹ phẩm của cung đình.
Nhân sâm đã được tìm thấy trên một ngọn núi phía Bắc Trung Quốc hơn 5.000 năm trước đây. Đầu tiên nó được dùng như một thứ thực phẩm.
Sau đó, người ta bắt đầu nhận ra tác dụng dược học của nó. Theo các cổ liệu y học, nhân sâm khiến tâm hồn thư thái, mắt sáng, trái tim cởi mở, đẩy lùi quỷ dữ, nâng cao trí tuệ và giúp con người trường thọ.
Không ngạc nhiên, các hoàng đế Trung Hoa là những người tôn sùng nhân sâm nhất, họ sẵn sàng trả mức giá bằng vàng tương đương cân nặng của nhân sâm, vì thế đã góp phần hình thành cả một hệ thống bao gồm phu đào sâm, thương nhân và cả nạn trộm cướp.
Nhu cầu ấy cũng đã tạo nên hệ thống giao thương nhân sâm với Hàn Quốc bắt đầu từ thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Không may, điều này đã dẫn đến tình trạng cạn kiệt nhân sâm hoang dã ở Châu Á. Vào thế kỷ 16, Hàn Quốc là nơi đầu tiên trên thế giới thử nghiệm trồng sâm.
Ở Châu Mỹ, các bộ lạc da đỏ từ lâu đã biết tới giống cây đặc biệt này. Năm 1716, một linh mục, cha Joseph Francis Lafitau, nghe nói về thứ rễ cây được quý như vàng ở Châu Á.
Cho rằng điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng vùng cao Canada khá tương đồng với vùng núi cao Trung Hoa nơi tìm ra nhân sâm, vì vậy ông bắt đầu các chuyến thám hiểm.
Sau 3 tháng, chuyến tìm kiếm đã cho kết quả, ông tìm thấy sâm ở ngọn núi gần Montreal. Sau này người ta còn tìm thấy nhân sâm tại nhiều vùng khác như New England, New York, Massachusetts và Vermont…
John Jacob Astor (ông chủ của công ty American Fur) là một trong những người đầu tiên đánh tàu chở nhân sâm sang Trung Quốc, và có lẽ đây chính là khởi nguồn của khối tài sản khổng lồ nhà Astor. Đầu những năm 1880, New York State Ginseng Association (Hiệp hội Nhân sâm New York) đã được thành lập bởi ngài George Stanton.
Việc buôn bán lên tới đỉnh điểm vào những năm 1850, vì thế sang thế kỷ 19, nguồn lợi kinh tế đã gần như quét sạch trữ lượng nhân sâm tự nhiên ở Châu Mỹ. Phải tới đầu thế kỷ 20, nỗ lực nhân giống nhân sâm trong các khu vườn tư nhân mới thành công, sau đó lan rộng phục vụ cho ngành công nghiệp, như tại bang Wisconsin.
Để bảo vệ nguồn giống, chính phủ Mỹ đã đưa ra các điều luật về bảo vệ nhân sâm và tỷ lệ thu hoạch. Người ta cho rằng hiện nay 99% nhân sâm trên toàn thế giới được trồng trong vườn, trang trại chứ không phải do khai thác từ tự nhiên.
Nếu ở phương Đông, nhân sâm được coi là thần dược chữa bách bệnh, không chỉ tăng cường sinh lực mà còn khiến con người trở nên hạnh phúc hơn, thì phương Tây chưa bao giờ công nhận điều đó.
Điều này cũng dễ hiểu, quan niệm y học phương Đông coi bệnh tật đều từ những sự mất cân bằng về khí mà ra, trong khi phương Tây xác định mỗi loại bệnh đều có một căn nguyên nhất định, nên không thể có loại thần dược nào chữa được bách bệnh.
Các phòng thí nghiệm Tây phương vẫn không ngừng phân tích thành phần của nhân sâm để mong có lời giải khoa học nhất cho câu hỏi: nhân sâm thực ra có tác dụng như thế nào đối với con người. Người ta đã kể tên được ít nhất 20 thành phần gọi là “ginsenosides” trong nhân sâm, thứ tạo nên các tác dụng tuyệt vời của nó.
Tuy vậy, bất kể kết quả ra sao, thì việc sử dụng nhân sâm vẫn dần được ưa chuộng tại phương Tây. Ngoài ra, quan điểm ủng hộ việc dùng nhân sâm của những người nổi tiếng, như Luther King, cũng góp phần củng cố niềm tin của mọi người vào loại thần dược này.