317 lượt xem
Món cháo gà này cực kỳ thích hợp để tẩm bổ cho người già hay người ốm, nhất là trong những ngày trời trở lạnh hay thay đổi thời tiết.
Trước khi ăn, đầu bếp Nguyễn Bá Dũng chia sẻ với mọi người về cách làm món ăn đặc biệt và vô cùng bổ dưỡng này:
“Trong thành phần món này gồm có hoàng kỳ, bạch quả, táo đỏ, gừng, tỏi, hạt dẻ, cơm nếp. Một thứ không thể thiếu chính là nhân sâm Hàn Quốc tầm 4 đến 5 năm tuổi”.
“Sâm bạn nên chọn sâm tươi lấy trực tiếp từ Hàn Quốc. Trong một ruộng sâm thì sẽ có củ lớn, củ nhỏ. Củ lớn thường ngâm rượu và củ nhỏ dùng chế biến thức ăn. Mình dùng những củ sâm to chừng 1 ngón tay để làm món gà hầm”.
Với sự kết hợp văn hóa ẩm thực thế giới nhưng vẫn giữ cái hồn của ẩm thực Việt, ít ai nghĩ được rằng anh có thể kết hợp một cách tinh tế như thế.
Theo một số chuyên gia dinh dưỡng, gà thuộc nhóm thịt trắng với thành phần chủ yếu là protein, lipit, khoáng can-xi, phốt pho, sắt, albumin… Đặc biệt, các vitamin như A, B1, B2, C, E trong thịt gà còn nhiều hơn so với các loại thịt đỏ khác.
Mặt khác, cùng một khối lượng nhưng bằng cách hầm thì thịt gà giữ lại được nhiều protein nhất.
Nhân sâm thì có tới hơn 60 loại Saponin, 17 loại axit amin và hàng chục nguyên tố vi lượng được coi là vô cùng tốt cho sức khỏe con người. Sâm đặc biệt tốt với những người có thể trạng yếu, người đau ốm, người mới ốm dậy, người lao lực cơ thể và trí óc nhiều.
Ngoài ra sử dụng nhân sâm còn bổ khí huyết, mạnh gân xương; tăng cường sinh lý; tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể; kích thích tiêu hóa, tăng hấp thu dinh dưỡng; giúp da dẻ trắng hồng, căng mịn…
Chính vì vậy, món gà hầm sâm này cực kỳ bổ dưỡng và rất được ưa chuộng từ người trẻ đến các vị cao niên.
Đầu tiên anh Dũng cho vào bụng gà tỏi, hạt dẻ, gừng, táo đỏ, bạch quả.
Sau đó, anh bó củ sâm bằng một lớp gạo nếp đã nấu chín rồi cho luôn vào bụng gà.
Gà được chọn lọc kỹ từ Bình Định và nuôi dưỡng theo chế độ thả vườn và ăn toàn thảo mộc tại một trang trại ở Đồng Nai.
Chính những sự cầu kỳ đó mà anh Dũng không ngần ngại biểu diễn món gà cho thực khách tìm hiểu khi có yêu cầu.
Công đoạn tẩm ướp đã xong, anh cho gà vào nồi nước hầm trong khoảng 2 tiếng.
Món gà hầm sâm được bê ra, mở nắp nồi hương thơm ngào ngạt, thịt chín vừa, không bị nát, bở.
Khi thực khách dùng kéo cắt từng phần của gà ra, cháo từ bên trong tuôn chảy ra mang theo mùi thơm của nếp, nồng bùi của nhân sâm, nồng nàn của thịt gà.
Lúc này, thực khách mới lý giải được vì sao có nếp trong nguyên liệu ướp gà.
Mỗi người một chén, ai nấy đều cố gắng “kiềm lòng” không ăn vội mà ngửi để cảm nhận những tinh túy của món ăn độc đáo này.
“Ngọt, thơm, bùi, đậm vị sâm, ăn vào thấy sảng khoái…và còn những cảm nhận khác nữa mà không biết phải giải thích sao”, anh Nguyễn Kỳ Nam (quận Phú Nhuận, TPHCM) thừa nhận là đã ăn món gà hầm sâm tại Hàn Quốc rồi nhưng nấu kết hợp thế này thì quả là “không đâu có!”.