53 lượt xem
Theo nhiều nghiên cứu, nhân sâm có các tác dụng dược lý như: Tăng lực, tăng trí nhớ, bảo vệ cơ thể chống stress, bảo vệ và tác động lên hệ miễn dịch. Giúp chống viêm, bảo vệ tế bào chống lão hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể,…đã được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu chứng minh.
Ginsenosides Ro, Re, Rg1, Rg2, Rg3, Rh1, Rh2, Ra1, Ra2,… các ginsenosides này có tác dụng: Giải độc, chống viêm gan, tác dụng kiểm soát kết tập tiểu cầu, tác dụng kháng tiểu đường, tránh xơ cứng động mạch, tác dụng làm giảm đau liên quan đến tế bào thần kinh não, tác dụng tăng cường sinh lý, tác dụng hạ đường huyết, chống tiểu đường, tác dụng chống loét dạ dày…
Trong đó, thành phần Rh2, Rg3 có tác dụng khống chế và kìm hãm sự phát triển của khối u, ngăn ngừa bệnh ung thư. Hiện nay, bằng công nghệ tiên tiến hơn, các nhà khoa học đã sử dụng thành phần Rh2, Rg3 từ Hồng Sâm để chế biến các loại thuốc ngăn ngừa tế bào ung thư, dùng để hỗ trợ trong việc điều trị các bệnh ung thư.
Các thành phần Malnonyl Rb1, Rb2, Rc, Rd có tác dụng chống lão hóa, chống lại quá trình lão hóa của cơ thể duy trì thể trạng và kéo dài tuổi xuân.
Nhờ vào các hoạt chất này, các ngành chăm sóc sắc đẹp đã chế tạo ra nhiều loại kem Hồng Sâm chống lão hóa, làm đẹp da, làm giảm các vết nám mang lại nét đẹp rạng ngời cho các chị em phụ nữ.
Ngoài các thành phần ginsenosides, Malnonyl, Nhân Sâm chứa 7 hợp chất polyacetylen, 17 axit béo (axit palnitic, axit stearic, oleic, ) trong đó có đủ 8 loại axit cần thiết cho cơ thể và 20 nguyên tố hóa học Fe, Mn, Co, Se, K. Các thành phần khác là glucid, tinh dầu… cung cấp đầy đủ những vi chất cần thiết cho cơ thể.
Căn cứ vào quan sát trên điện não đồ và dùng phương pháp nghiên cứu phản xạ có điều kiện thấy nhân sâm chủ yếu tăng cường quá trình hưng phấn của vỏ đại não, đồng thời có thể tăng cường quá trình ức chế, cải thiện tính linh hoạt của hoạt động thần kinh, hồi phục bình thường khi có sự rối loạn giữa hai quá trình trên
Lấy hoạt động phản xạ có điều kiện làm chỉ tiêu theo dõi thì thấy tác dụng gây hưng phấn vỏ đại não của nhân sâm mạnh hơn cafein và kém hơn ngũ vị tử bắc. Cũng có báo cáo cho rằng tác dụng gây hưng phấn vỏ đại não của nhân sâm kém cafein và có liên quan mật thiết với loại hình thần kinh của súc vật thí nghiệm.
Trong thí nghiệm về phản xạ có điều kiện, dùng phản ứng lẩn tránh thụ động trên chuột cống trắng, thấy cao nhân sâm và các gensenosid làm tăng khả năng học tập và khả năng lưu giữ cách cư xử đã học được.
Trên người, nhân sâm cũng có tác dụng tăng cường quá trình hưng phấn của vỏ đại não, đồng thời cũng tăng cường quá trình ức chế nhưng tác dụng tăng cường ức chế không mạnh bàng bromid. Nhân sâm còn nâng cao khả năng làm việc bằng thể lực và trí lực của người.
Trên động vật thí nghiệm, tác dụng kháng mỏi mệt (kéo dài thời gian bơi) của nhân sâm rất rõ rệt. Đối với người, tác dụng kháng mỏi mệt cũng đã được chứng minh từ xưa.
Lý Thời Trần (Trung Quốc) trong sách “Bản thảo cương mục” có ghi: cho 2 người chạy, một người ngậm nhân sâm, một người không, sau khi chạy độ 3-5 dặm, người không ngậm sâm thở mạnh, hổn hển còn người ngậm nhân sâm thở bình thường.
Trái với những báo cáo trước đây, nhân sâm đối kháng đối với tác dụng gây co giật của các thuốc kích thích thần kinh trung ương, đối với hiệu lực gây ngủ của nembutan, nhân sâm có tác dụng hiệp đồng; còn trên thí nghiệm mãn tính, nhân sâm không thể hiện tác dụng gây trấn tĩnh hoặc gây hưng phấn.
Về cơ chế tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương, có thể là nhân sâm làm tăng quá trình sinh tổng hợp và giải phóng acetylcholin, đồng thời làm giảm lượng scrotonin trong não chuột thí nghiệm.
Nhưng cũng có báo cáo cho rằng hàm lượng scrotonin không bị ảnh hưởng rõ rệt. Đối với người, nhân sâm có tác dụng cải thiện giấc ngủ rõ rệt, liều lớn làm xuất hiện tác dụng gây trấn tĩnh.
Cũng như các vị ngũ vị tử, ngũ gia bì, nhân sâm có tác dụng sinh thích nghi (adaptogen) nghĩa là có khả năng tăng sức đề kháng không đặc hiệu của cơ thể đối với những yếu tố gây độc hại.
Trên tế bào nuôi cấy của các loại động vật có vú, cơ quan cô lập hoặc động vật hoàn chỉnh xử lý với nhân sâm trước và trong khi cho tiếp xúc với các stress lý học, hóa học hoặc sinh học, đều có khả năng tăng cường sức chống đỡ của động vật hoặc của cơ quan tương ứng với tác dụng dây tổn hại của các tác nhân gây stress.
Những kết quả này cũng được chứng minh trong trường hợp nhiễm độc do chiếu xạ, lây nhiễm virus, cấy ghép ung thư, nhiễm độc rượu, carbon tetrachlond, thiếu oxy, áp lực giảm, stress tinh thần, shock điện hoặc cử động gò bó.
Trên chó gây mất máu với lượng lớn hoặc bị ngạt thở, tiêm ngay lập tức dịch nhân sâm làm cho huyết áp đã bị hạ thấp dần dần tăng cao đến mức ổn định và giúp động vật hồi phục sức khỏe bình thường.
Do có tác dụng làm thay đổi tính phản ứng của cơ thể, nên dùng nhân sâm có thể cứu gà khỏi tử vong sau khi đã tiêm ký sinh trùng sốt rét. Nhân sâm dùng dài ngày còn có khả năng phòng ngừa được phản ứng gây sốt do tiêm vaccin gây nên, giảm độc tính một số chất độc (benzen) đối với cơ thể, có tác dụng phòng ngừa sốc quá mẫn và những triệu chứng do thiếu vitamin B1, B2 gây nên.
Nhân sâm không có tác dụng kiểu corticoid, nhưng đối với trục tuyến yên – vỏ thượng thận có ảnh hưởng nhất định. Các ginsenoid đều có tác dụng kháng kích ứng, ức chế rõ rệt những thay đổi về trọng lượng của tuyến thượng thận, tuyến ức, lách và tuyến giáp trạng trong quá trình phản ứng kích ứng; đối với hàm lượng vitamin C và cholesterol trong tuyến thượng thận có ảnh hưởng rõ rệt.
Nhân sâm không có tác dụng kiểu nội tiết sinh dục, nhưng có tác dụng kích thích tuyến yên phân biệt các hocmon hướng sinh dục, tăng nhanh quá trình trưởng thành giới tính của súc vật thí nghiệm, kéo dài thời kỳ động dục của chuột cái đã trưởng thành, nếu đem thiến buồng trứng thì tác dụng trên sẽ mất đi.
Cao nhân sâm tiêm dưới da cho chuột cống trắng có tác dụng tăng cường khả năng giao phối của chuột đực. Thuốc còn có tác dụng kích thích sự sinh tinh ở chuột cống và thỏ. Tăng cường khả năng hoạt động và thời gian sống của tinh trùng ở ngoài cơ thế.
Nhân sâm dùng liều lớn trong thời gian ngắn tăng cường hoạt động tuyến giáp trạng thỏ, còn nếu dùng dài ngày lại có tác dụng ức chế hoạt động tuyến giáp trạng trên chuột cống trắng.
Rễ, thân và lá nhân sâm có tác dụng kháng lợi niệu, tác dụng này có liên quan đến tác dụng thúc đẩy tuyến thượng thận tiết hocmon corticosteron. Thành phần có tác dụng kháng lợi niệu là panaxosid.
Nhân sâm có tác dụng cải thiện các triệu chứng chung và gây hạ đường huyết nhưng không thể thay thế insulin giải quyết được rối loạn chuyển hóa của đường. Nhân sâm có tác dụng khống chế được phần nào lượng đường huyết nhưng không ngăn ngừa được bệnh phát sinh và gây tử vong
Tác dụng của nhân sâm đối với chuyển hóa đường về cơ chế chưa được làm rõ hoàn toàn. Có báo cáo cho rằng nhân sâm tăng cường hô hấp tế bào, thúc đẩy quá trình phân hủy đường, tăng cường chuyển hóa năng lượng.