2244 lượt xem
“Nuôi chim yến” đang dần trở thành một ngành công nghiệp ở Việt Nam, nhưng không phải ai cũng có thể giàu lên khi khởi nghiệp với mô hình nuôi chim yến. Để đạt được thành công đòi hỏi nhiều yếu tố, mời quý khách cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu thêm về mô hình này nhé !
Không phải ai cũng nuôi được chim yến, chim yến sống thành đàn, tìm nơi đất lành để đậu. Yến làm tổ trong nhà hay ngoài đảo, từng đàn đi kiếm ăn. Yến đảo nằm ngoài vách núi, được sống khí trời, sương, gió, nhưng bụi bẩn.
Còn yến nuôi trong nhà được che chắn kỹ, nhưng phải đảm bảo giống như hang động ngoài trời để nó trở về. Đó là nguyên tắc của nghề nuôi chim yến, phải có rêu phong, có cái lạnh của hơi sương như một hang động ẩm ướt, yến mới về trú ngụ.
Cơ duyên nuôi yến đến với anh Nguyễn Văn Tâm ở xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa rất tình cờ. Nhà anh Tâm ở vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho chim yến trú ngụ, sinh sống. Tháng 8/2017, anh Nhân thấy một đàn chim khoảng 40 con cứ quẩn quanh vùng đồi vườn nhà anh và xung quanh các nhà khác cách đấy không xa.
Cứ hoàng hôn đến, đàn chim đậu vào sân thượng tầng 3 của nhà anh. Hơn một tháng theo dõi cùng với kiến thức tìm hiểu trên sách báo về chim yến bấy lâu nay, anh Tâm xác định đó là chim yến, anh quyết định mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi yến.
Từ sân thượng, anh Tâm dùng tôn quây kín xung quanh, mời chuyên gia lắp đặt các thiết bị dẫn dụ chim yến về ở với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. Chỉ trong vòng gần 3 tháng dụ yến về, đã có trên 200 con đến trú ngụ và ngày một nhiều hơn.
Anh Tâm lắp đặt hệ thống camera giám sát tại nhà yến, trên sân thượng nhà anh đã có gần 100 tổ yến, nhiều con đã đẻ trứng. Anh tiếp tục mở rộng nhà yến xuống tầng 2 để đàn chim phát triển tốt hơn
Cũng tại vùng biển, cơ sở nuôi chim yến của anh Trần Văn Phong, cũng ở xã Diên Hòa bắt đầu từ tháng 9/2017 với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Anh Phong tìm hiểu kỹ thuật nuôi chim yến qua sách báo, tài liệu và từ những người đã thành công với mô hình nuôi chim yến Khánh Hòa
Anh lắp đặt hệ thống máy phát âm thanh giả tiếng chim yến, hệ thống phun sương tạo độ ẩm tự động, đèn chiếu sáng đuổi chim cú và hệ thống camera giám sát.
Sau khi đưa vào hoạt động, máy phát âm thanh có chức năng dẫn dụ đàn chim yến tự do ngoài thiên nhiên về làm tổ. Anh Phong cho biết, cứ 80 – 90 tổ yến sẽ thu được 1 kg yến, thu nhập hiện nay của gia đình anh ngày càng khá hơn trước.
Không chỉ ở miền biển mà ngay thành phố Nha Trang mô hình nuôi chim yến đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Phan Văn Thư ở phường 2, thành phố Nha Trang đầu tư 300 triệu đồng xây nhà nuôi yến vào năm 2015. Anh Thư dùng âm thanh thu hút chim yến, lắp đặt hệ thống loa ngoài để dẫn dụ chim yến.
Máy làm mát, phun sương duy trì nhà yến ở nhiệt độ phù hợp từ 27 đến 29 độ C, độ ẩm là 75 – 90% nhằm đảm bảo điều kiện môi trường sống cho chim yến.
Những ngày đầu phát nhạc, số lượng chim yến bay tới rất ít, chỉ có khoảng 6, 7 con đến ở. Sau đó gần 200 con chim yến về làm tổ, đẻ trứng, sinh sản. Mỗi năm một con có thể đẻ 3 – 4 lứa.
Hiện tại nhà yến nhà anh Thư có hơn 2.000 con đang trú ngụ. Cứ 6 tháng cho thu hoạch trên 4kg yến, với giá thị trường vào khoảng 35 triệu đồng/kg yến thành phẩm đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập khoảng 250 – 300 triệu đồng mỗi năm.
Tổ yến thường được khai thác ở trên các hòn đảo, rất vất vả khi phải trèo lên các thang tre thô sơ nguy hiểm để thu lượm tổ nhưng đó là việc làm trước đây.
Hiện nay, nhiều gia đình đã xây dựng nhà theo mô hình nuôi chim yến trong nhà mở ra hướng làm giàu mới cho nhiều hộ gia đình. Với một chút hiểu biết về đời sống của loài chim này và một chút mạnh dạn là có thể xây ngôi nhà nuôi chim yến.
Việc thu hút chim yến cũng khá đơn giản, vài chiếc đĩa CD thích hợp và cho phát qua ampli với những chiếc loa mắc trên mái nhà là có thể gọi chúng đến.
Nhưng điều quan trọng nhất trong phần kỹ thuật chính là luôn giữ được độ ẩm không khí trong khoảng 28 độ C và thiết bị nhằm tạo độ ẩm không khí trên 80%.
Chim yến luôn bay thành từng cặp với nhau và dùng nước bọt để làm tổ giống hình những chiếc thuyền. Chúng sẽ đẻ trứng và ấp trứng nở thành con rồi nuôi chim nhỏ đến khi trưởng thành sẽ bay đi. Lúc này chính là lúc cần cạo tổ yến ra để làm sạch.
Được biết, tổ yến thô chưa nhặt sạch lông sẽ có giá khoảng 40 – 45 triệu đồng/kg, nếu qua sơ chế, nhặt bỏ sạch lông sẽ có giá bán trên 50 triệu đồng/kg.
Đặc biệt, trong tình hình nền kinh tế thị trường hiện nay, giá trị của tổ yến sẽ còn lên khá cao và nghề nuôi chim yến sẽ đem lại nhiều nguồn thu có lời cho các hộ gia đình.
Với một lần đầu tư nuôi yến sẽ cần khoảng 500 triệu đồng cho khoảng thời gian khai thác từ 25 – 30 năm cho 1 bầy đàn khoảng 1000 – 2000 con. Sản lượng thu về 1 – 5 kg tổ yến/tháng sẽ có giá 30 – 35 triệu đồng/kg. Trong vòng 2 – 3 năm là có thể thu cả gốc lẫn lãi từ đầu tư nuôi chim yến.
Ngoài việc chỉ nuôi chim yến một số hộ gia đình còn có hình thức chế biến tổ yến thu về một khoản lợi nhuận cao. Giá yến sào hiện nay không hề rẻ nhưng chất lượng của sản phẩm được rất nhiều người quan tâm vì nó rất tốt và bổ dưỡng.
Hiện nay giá loại I (100g) là 5 – 5,5 triệu đồng với số lượng 8 – 10 tổ, loại II với 11 – 12 tổ nhỏ hơn có giá 4,5 triệu đồng, loại III có 13 tổ có giá 4 triệu đồng.
Môi trường cần thiết cho chim yến là môi trường có khoảng 50% cây thấp tầm 1m như cỏ tranh, đồng lúa; 30% cây cao dưới 5m; 20% mặt nước ao hồ.
Trong nhà nuôi luôn phải đảm bảo nhiệt độ từ 27 – 29 độ C, độ ẩm từ 80 – 95%, ánh sáng là 0,02 LUX. Nhà nuôi yến phải được xây dựng theo dạng nhà lầu với độ cao vừa phải kết hợp với hệ thống phát tín hiệu âm thanh, máy phun sương tạo độ ẩm.
Thiết kế cửa ra vào theo hướng chim bay đi và bay về, xung quanh tường cũng cần lắp đặt hệ thống thông gió. Tạo điều kiện thuận lợi cho chim yến được phát triển tự nhiên như vậy mới đem lại hiệu quả bền vững.
Hiện nay, việc nuôi chim yến đã trở thành một nghề ổn định của nhiều hộ dân từ duyên hải miền Trung đến miền tây Nam Bộ, vì ở đây có điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề này. Đây không chỉ là một nghề mới mà còn là một nghề giúp cho việc giữ gìn và bảo tồn loài chim quý hiếm này.